GVR ước lãi quý III/2024 tăng gần 63%, loạt khu công nghiệp mới dần được tháo gỡ pháp lý
Trong quý III, tình hình sản xuất kinh doanh của GVR "khởi sắc" nhờ giá cao su hồi phục và bước vào mùa vụ khai thác chính trong năm.
Ngày 30/9, ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR ) về việc thực hiện kế hoạch năm 2024 và định hướng xây dựng kế hoạch năm 2025.
Buổi làm việc của ông Nguyễn Hoàng Anh với GVR |
Doanh nghiệp cho biết, bước vào quý III, khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm, cộng với diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch do nguồn cung yếu suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và nhu cầu mua tăng lên từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong lĩnh vực cao su của tập đoàn gặp nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, năm 2024, các lĩnh vực khác ngoài cao su gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, gây mất ổn định và đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số mặt hàng và ngành mà tập đoàn đang hoạt động.
Thực hiện kế hoạch 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 16.207 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.850 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.386 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính trong quý III/2024, doanh thu của GVR đạt 6.963 tỷ đồng (+12,4% YoY), lợi nhuận sau thuế khoảng 802 tỷ đồng (+62,7% YoY).
Trong năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu 24.999 tỷ đồng doanh thu và 3.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo đó, GVR đã hoàn thành gần 65% kế hoạch doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận.
Loạt KCN mới dần được tháo gỡ pháp lý, sẵn sàng đưa vào triển khai
Theo Chứng khoán MB (MBS ), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất KCN với tổng diện tích là gần 23.500ha, hiện đang triển khai gần 11.000ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, một số KCN đang chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý của GVR gồm có dự án KCN Minh Hưng III giai đoạn 2, KCN Bắc Đồng Phú mở rộng, KCN Nam Đồng Phú mở rộng, KCN Tân Lập, KCN Rạch Bắp giai đoạn 2, KCN Bàu Xéo II.
Nguồn: MBS |
KCN Hiệp Thạnh (Tây Ninh) có diện tích 495ha, vốn đầu tư là 2.350 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2024 vừa qua. Theo ban lãnh đạo chia sẻ, công ty sẽ bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng KCN từ năm 2026.
Chứng khoán MBS kỳ vọng dự án sẽ lấp đầy trong 15 năm lâu hơn trung bình các KCN khác (khoảng 7-10 năm), dự kiến đem lại dòng tiền từ năm 2026.
Đối với KCN Nam Tân Uyên 3 (Bình Dương) có diện tích quy hoạch 345ha, diện tích đất thương phẩm 254ha. Cuối tháng 6/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt giá tính tiền sử dụng đất của dự án. Công ty có kế hoạch cho thuê 90ha trong năm nay. Giá cho thuê khoảng 125-130USD/m2, biên lợi nhuận gộp khoảng 60%, thấp hơn so với KCN Nam Tân Uyên 1&2.
Đối với KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và Nam Đồng Phú mở rộng, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết, tập đoàn đang dồn lực hoàn thiện thủ tục pháp lý tại 2 dự án trọng điểm này.
Trong đó, dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng đã nhận được chỉ tiêu phân bổ đất của tỉnh Bình Phước trong năm 2024 - 2025. Đây là nội dung pháp lý cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với dự án KCN Nam Đồng Phú mở rộng, dự án chưa đảm bảo vốn đầu tư tối thiểu để được giao dự án. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết sẽ huy động vốn từ các cổ đông của dự án ngay trong năm nay để đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Trong đó, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR ) dự kiến góp khoảng 130 tỷ đồng và CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) dự kiến góp 112 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án KCN Rạch Bắp Giai đoạn 2 (360ha, Bình Dương) và KCN Cộng Hoà giai đoạn 2 (190ha, Hải Dương) đang được Cao su Việt Nam nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ pháp lý.
>> GVR sắp ‘hái quả ngọt’ từ một công ty con trả cổ tức kỷ lục 22% bằng tiền
GVR: Loạt KCN mới dần được tháo gỡ pháp lý, sẵn sàng đưa vào triển khai 
Đối thủ nặng ký của ‘heo ăn chuối’ HAGL (HAG) bất ngờ lấn sân sang mảng cao su