Hà Nội dự kiến sẽ khởi công dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại 4 vị trí: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn); giao cắt giữa tVành đai 4 với đường Phương Bảng (xã Song Phương, huyện Hoài Đức); giao cắt giữa trục phía Nam tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến nay, các dự án trọng điểm đang duy trì nhịp độ thi công khẩn trương để hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch.
Năm 2023, Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới, trong đó chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Đặc biệt, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đđược chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay Thành phố đang thực hiện các công việc theo tiến độ, dự kiến khởi công dự án vào tháng 6/2023.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đơn vị đang cùng các sở, ngành, địa phương liên quan nỗ lực triển khai theo kế hoạch, để bảo đảm khởi công dự án đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí. Cụ thể là: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín tại Km56+750, thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL).
Riêng gói thầu số 11/TP2-XL sẽ không kịp khởi công trong tháng 6-2023 do vướng thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với tuyến đường sắt Bắc - Nam, dự kiến sẽ khởi công chậm hơn các gói thầu khác khoảng 3 tháng. Hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đang rất nỗ lực để có thể khởi công đồng loạt các dự án trong tháng 6-2023.
Ngoài ra, dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân đạt 60,1% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.
Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 76,1%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 98,8%.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1; hiện nay dự án đang tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào đầu tháng 9/2023.
Dự án thành phần thuộc tuyến Vành đai 4 Hà Nội hơn 85.000 tỷ đồng có chuyển động mới 
Tuyến đường vành đai hơn 122.000 tỷ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ có chuyển động mới