Hải Phòng chính thức công bố Quy hoạch tu bổ, phục hồi đền thờ nhà giáo duy nhất được suy tôn làm Thánh, 'nhà tiên tri' số 1 Việt Nam
Quy mô quy hoạch gồm 3 điểm di tích chính: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quán Trung Tân và Tháp bút Kình thiên với tổng diện tích hơn 10ha.
Sáng 27/3, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã tổ chức lễ công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm , theo Quyết định số 151/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy hoạch được phê duyệt, phạm vi thực hiện gồm ba điểm di tích trọng yếu: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quán Trung Tân và Tháp bút Kình Thiên, với tổng diện tích hơn 10ha.
Ngoài ra, khu vực phát huy giá trị di tích  - nơi được nghiên cứu và đề xuất bổ sung có diện tích hơn 9ha. Khu này dự kiến được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. Các hạng mục bao gồm: nghiên Thiên Tạo, ao làng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà thờ họ, vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, sân lễ hội, nhà đón tiếp, nhà dịch vụ, vườn hoa cảnh quan, bãi xe điện, bãi đỗ xe…

Thời gian thực hiện quy hoạch được xác định từ năm 2026 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn vốn triển khai bao gồm ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách Nhà nước.
Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đồng thời lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hình thành một điểm đến du lịch văn hóa – lịch sử đặc sắc của huyện Vĩnh Bảo nói riêng và TP. Hải Phòng nói chung.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tên tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân Am cư sĩ, được các môn sinh tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Ông là một trong những học giả và nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất thế kỷ XVI tại Việt Nam.
Không chỉ nổi danh là nhà giáo, nhà thơ và danh sĩ lớn thời Lê - Mạc phân tranh, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được người đời sau suy tôn là nhà tiên tri số 1 của Việt Nam. Câu nói “An Nam lý số hữu Trình Tuyền” (An Nam có Trạng Trình giỏi lý số) là sự ghi nhận đặc biệt từ người Trung Hoa về tài tiên đoán của ông.
Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký - gọi là Sấm Trạng Trìnký- được sáng tác cách đây hơn 500 năm. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới được cho là đã “ứng nghiệm” với nội dung trong các câu sấm này.
Không chỉ là danh nhân văn hóa, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được tôn vinh trong đời sống tâm linh. Ông được suy tôn là Thanh Sơn Đạo sĩ (hay Thanh Sơn Chơn Nhơn), là một trong ba vị Thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài.
Trong bức Tam Thánh ký hòa ước được lưu giữ tại Tòa Thánh Tây Ninh, hình ảnh ông Nguyễn Bỉnh Khiêm được vẽ trang trọng bên cạnh hai danh nhân thế giới là Victor Hugo và Tôn Trung Sơn, biểu tượng cho khát vọng hòa bình và nhân loại đại đồng.