Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10 cho thấy, CPI tháng 10 tăng 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 10 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2023 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân CPI tăng trong tháng 10, theo Tổng cục Thống kê, là do chi phí giáo dục và giá gạo tăng. Nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất trong tháng, trong đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 2,54% do một số địa phương điều chỉnh học phí với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Tính chung, trong rổ hàng hoá tính CPI, 9 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số tăng giá. Chỉ 2 nhóm giảm là bưu chính viễn thông - chủ yếu là do nhóm thiết bị điện thoại giảm; và giao thông - do xăng, dầu được điều chỉnh giá.
Cũng theo đơn vị thống kê quốc gia, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm và từ tháng 7 theo xu hướng tăng dần trở lại.
Trong 10 tháng năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, đến tháng 10 tăng 3,59%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 7,08% trong tháng 1/2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6/2023 nhưng sang tháng 10, giá xăng dầu đã tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với bình quân 10 tháng năm 2022.
Các yếu tố làm tăng CPI trong 10 tháng, theo Tổng cục Thống kê do chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 10 tháng tăng 75,19% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,26%; nhóm lương thực tăng 5,48% tác động làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,39%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,42%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng năm 2023 giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Quốc gia châu Âu xả 1.000 tấn bơ từ kho dự trữ để hạ nhiệt lạm phát 
Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường quản lý giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ