Huy động 10 xe tải, vận chuyển 337 tấn chất thải nguy hại còn sót lại từ thảm họa công nghiệp kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người chết cách đây 40 năm đến nơi thiêu hủy
Theo đó, việc xử lý 337 tấn chất thải độc hại này sẽ hoàn tất trong vòng từ ba đến chín tháng.
Tờ Reuters dẫn lời các nhà chức trách Ấn Độ cho biết rằng vào hôm 2/1, quốc gia này đã hoàn tất việc di chuyển chất thải độc hại từ địa điểm xảy ra thảm họa  rò rỉ khí ở Bhopal năm 1984 đến cơ sở xử lý.
Swatantra Kumar Singh – Giám đốc bộ phận cứu trợ và phục hồi thảm họa khí độc Bhopal thông tin thêm rằng 10 xe tải chở 12 thùng chứa chất thải độc hại, với tổng trọng lượng 337 tấn đã đến nhà máy Pithampur, cách Bhopal 230km vào ngày 2/1 dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.
Chính quyền tiểu bang cho biết trong một tuyên bố rằng một đợt thử nghiệm xử lý 10 tấn chất thải đã được tiến hành vào năm 2015 và việc xử lý 337 tấn còn lại sẽ hoàn tất trong vòng từ ba đến chín tháng.
Ông Swatantra Kumar Singh cho biết kết quả thử nghiệm xử lý do cơ quan kiểm soát ô nhiễm liên bang tiến hành đã chứng minh rằng tiêu chuẩn khí thải của quá trình xử lý đáp ứng các yêu cầu quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh thêm quá trình xử lý này an toàn với môi trường và sẽ không gây hại đến hệ sinh thái địa phương.
Tuy nhiên, Rachna Dhingra, một nhà hoạt động tại Bhopal từng làm việc với những người sống sót sau thảm kịch, cho biết chất thải rắn sau khi đốt sẽ được chôn tại bãi rác và sẽ gây ô nhiễm nguồn nước cũng như gây ra các vấn đề về môi trường. Bà cũng chỉ trích rằng các công ty gây ô nhiễm nên chịu trách nhiệm dọn dẹp chất thải độc hại tại Bhopal, thay vì để chính quyền Ấn Độ gánh vác việc này.
Cách đây hơn 40 năm, vào đêm ngày 12/2/1984, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi 40 tấn methyl isocyanate (MIC) – một hóa chất cực kỳ độc hại dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu – bị rò rỉ từ nhà máy Union Carbide ở thành phố Bhopal.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, có 7.000 người chết trong 3 ngày tiếp theo và vô số người khác bị thương. Đây chỉ là khởi đầu của cơn ác mộng. Trong 3 thập kỷ sau đó, khoảng 30.000 ca tử vong trong vùng được cho là liên quan tới tai nạn, do ảnh hưởng lâu dài của vụ rò rỉ hóa chất đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Theo các nhà hoạt động môi trường, đến nay vẫn còn khoảng hàng chục nghìn người phải uống nước nhiễm độc, trong khi hàng ngàn trẻ em sinh ra bị tổn thương não và dị tật. Rất nhiều người mắc chứng thiếu máu, dậy thì muộn và bệnh ngoài da.
Nhà máy Union Carbide, nơi xảy ra thảm họa, được xây dựng vào năm 1969 và từng là biểu tượng của công nghiệp hóa tại Ấn Độ. Nơi đây cung cấp hàng nghìn việc làm và sản xuất thuốc trừ sâu  giá rẻ cho nông dân. Dẫu vậy, thảm họa kinh hoàng năm 1984 đã trở thành lời cảnh tỉnh lớn về tầm quan trọng của việc kiểm soát và quản lý rủi ro công nghiệp.