Trong nhiều thế kỷ, sông là cách duy nhất để vận chuyển hàng hóa và bây giờ nó đang trở lại.
Đẩy mạnh loại hình giao thông đường thủy
Sông Sein của nước Pháp không chỉ là một dòng sông thơ mộng mang tính biểu tượng mà còn là một phần của giải pháp vận tải nhằm đảm bảo giao thông và môi trường.
Đường thủy là phương tiện vận tải có từ thủa con người mới xuất hiện, tuy nhiên nó không còn được ưa chuộng khi xe ô tô và xe lửa thống trị phương tiện giao thông trong thế kỷ 20, đặc biệt là sau Thế chiến Thứ hai, khi đường cao tốc và đường sắt  mở rộng khắp lục địa.
Khi Liên minh Châu Âu đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cần phải loại bỏ carbon - nguyên nhân gây ra 1/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu thì giao thông đường thủy mới sôi động trở lại.
Sông Sein của Pháp là biểu tượng được cả thế giới biết đến
Hiện nay, với 23.000 dặm (hơn 37.000km) đường thủy trải dài khắp Liên minh Châu Âu, các quan chức nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc đưa vận chuyển hàng hóa ra khỏi đường bộ. Bởi vậy, Châu Âu đã cho ra đời nhiều hiệp ước như Thỏa thuận Xanh Châu Âu, kế hoạch khử carbon của Liên minh Châu Âu, với mục tiêu biến các con sông thành đường cao tốc và tăng gấp đôi lưu lượng tàu thuyền vào năm 2050.
Hiện nay, tại Châu Âu các con sông vận chuyển chưa đến 2% lượng hàng hóa. Trong khi đó, có khoảng 6,5 triệu xe tải lưu thông khắp các con đường, chiếm 80% vận tải hàng hóa. Đường sắt chiếm chỉ khoảng 5%.
Nếu muốn xử lý giao thông qua sông nhiều hơn thì cơ sở hạ tầng đường thủy hàng chục năm tuổi của châu Âu cần được nâng cấp. Song, việc trái đất nóng lên đang làm tăng thêm thách thức. Đơn cử như sông Rhein – con sông có lưu lượng giao thông lớn nhất ở Châu Âu - những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục đã cản trở một số hoạt động giao thông đường thủy.
Sông Seine đang trở thành trường hợp thử nghiệm cho kế hoạch của châu Âu nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách biến các dòng sông thành đường cao tốc  mới.
Sông Seine có thể chứa số lượng tàu bè dài hơn một sân bóng đá và tiết kiệm cho khoảng 18.000 chuyến xe tải mỗi năm chuyên chở cập bến cảng Le Havre và Paris. Giới chức hy vọng, nếu giao thông đường thủy được đẩy mạnh sẽ thu hút được lượng hàng hóa vận chuyển gấp 4 lần của 20 triệu tấn hàng hóa nó đang đảm nhiệm mỗi năm.
Nhất loạt hành động vì chuỗi “giao thông sạch”
Các container đang được chất lên tàu tại bến cảng Le Havre trước khi tới Paris.
Để đạt được điều đó, công ty vận hành cảng Haropa đã mở rộng cảng Le Havre, nhằm thu hút tàu từ các cảng lớn hơn Rotterdam ở Hà Lan hoặc Antwerp, Bỉ. Tại 5 bến cảng khác trên sông Seine, Haropa đang bổ sung các trạm điện cho phép tàu sạc điện khi cập cảng thay vì chạy động cơ khí đốt.
Các bến cảng cũng khuyến khích chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học thay vì động cơ diesel. Tàu thuyền chạy bằng hydro cũng đang được phát triển.
Nhiều doanh nghiệp rất hưởng ứng phong trào vận chuyển đường sông. Đơn cử, Ikea - gã khổng lồ nội thất Thụy Điển đã đặt một kho hàng gần cảng Harve, để vận chuyển hàng hóa qua sông Seine.
Hay chuỗi siêu thị lớn nhất nước Pháp, Franprix cũng đã vận chuyển hàng hóa bằng tàu thủy  tới 300 cửa hàng ở Paris. Trung bình mỗi sáng, công nhân dỡ 42 container gần tháp Eiffel. Công ty cho biết điều đó giúp tiết kiệm 3.600 chuyến xe tải trên đường cao tốc và đã cắt giảm 20% lượng khí thải carbon mỗi năm.
Rất nhiều dự án kinh doanh khác cũng đang hướng tới mục tiêu vận chuyển bằng đường sông. Dự kiến, vào mùa xuân tới, tàu bè chạy bằng nhiên liệu hydro sẽ bắt đầu hoạt động. Một con tàu này có thể chuyên tải tới 320 tấn, tương đương với 15 chuyến xe tải trên đường bộ.
Tại bến cảng, các công nhân luôn sẵn chờ hàng hóa tới và “lao ra đường ngay khi thuyền cập bến”, sau đó, hàng hóa được ship bằng phương tiện thân thiện môi trường là xe đạp.
“Tôi đã biết từ lâu rằng dòng sông là phương tiện giao thông sinh thái nhất. Bây giờ chúng ta cần các nhà hoạch định chính sách thực sự biến điều đó thành hiện thực bởi tiềm năng vận tải bằng đường sông là rất lớn”, một thuyền trưởng nói.
Lược dịch từ New York Times.