Họ kết hợp khả năng của máy tính và hiểu biết về khí tượng cùng với những biến động của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để tạo ra khoản lợi nhuận lớn.
Kiếm bộn tiền từ... sương mù và các hiện tượng thời tiết
Trước bình minh của một ngày mùa thu gần đây, sương mù bao phủ khắp một vùng rộng lớn ở Đông Âu. Ở bất kỳ thị trường tài chính nào khác, thời tiết có thể không quá quan trọng. Nhưng ở thị trường điện châu Âu , thời tiết xấu mang lại rất nhiều cơ hội kiếm tiền.
Cách xa làn sương mù hơn 1.000km, một nhóm nhỏ gồm các công ty giao dịch hàng hóa ẩn danh có trụ sở tại Đan Mạch  đã sẵn sàng để tạo lợi nhuận. Ngay khi hình ảnh hồng ngoại từ vệ tinh thời tiết Meteosat truyền đến trụ sở chính của họ, máy tính sẽ tự động phân tích nó rồi đưa dữ liệu vào các thuật toán giao dịch phức tạp.
Với rất ít sự can thiệp từ con người, máy móc đã giúp các công ty đạt được nhiều thỏa thuận trị giá hàng triệu USD. Họ đặt cược giá điện ngắn hạn ở Hungary sẽ tăng ngay sau bình minh vì sương mù xuất hiện, do sản lượng điện mặt trời có thể thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Và đúng như họ dự đoán, trong vài phút, cho đến khi sương mù tan đi, giá điện bất ngờ tăng cao và các giao dịch trên máy tính thu về được bộn tiền.
Cảnh tượng này - được kể lại bởi những người giám sát máy tính sáng hôm đó - là biểu tượng của một thế hệ trader mới đang đảo lộn thị trường năng lượng châu Âu. Họ kết hợp khả năng của máy tính và hiểu biết về khí tượng cùng với những biến động của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để tạo ra những khoản lợi nhuận lớn.
Mogens P. Sorensen, một cựu trader và cố vấn tài chính, cho biết: “Thật nực cười với số tiền mà họ kiếm được. Có hàng tỷ USD đang được tạo ra từ các giao dịch quanh giá điện ở châu Âu”.
Tại đây, nơi mà các doanh nghiệp Nhà nước từng chiếm ưu thế, thì ngày nay các công ty khởi nghiệp thành công với những tiến sĩ và các kỹ sư trẻ tài giỏi mới là nhóm người điều hành mọi thứ.
Chỉ 5 năm trước, quy mô ngành vẫn còn nhỏ với các công ty hàng đầu chỉ kiếm được tổng thu nhập ròng khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Hiện tại, nó là một “cỗ máy kiếm tiền khổng lồ” với tổng lợi nhuận khoảng 5 tỷ USD vào năm 2022, theo ước tính của Bloomberg Opinion.
Tổng thu nhập ròng của các nhà kinh doanh điện và khí đốt tại Đan Mạch. Họ đang hưởng lợi từ một trong những đợt bùng nổ lợi nhuận lớn nhất mà ngành giao dịch hàng hóa từng chứng kiến. Nguồn: Bloomberg |
Bất chấp sự giàu có, những thương nhân này không phải là những cái tên nổi tiếng. Hầu hết các công ty đều thuộc sở hữu tư nhân, do một số ít Giám đốc cấp cao đứng đầu, những người có tài sản lên đến hàng chục và thậm chí là hàng trăm triệu USD.
Còn đối với người dân châu Âu, đây là những công ty giúp duy trì điện đóm ở khu vực nơi họ sinh sống. Các công ty này là những người điều hòa nguồn cung và cầu trên lưới điện bằng cách quan sát các biến động của thời tiết rồi mua bán điện trả trước.
Được biết, hoạt động mua bán điện ngắn hạn này là một phần quan trọng trong nỗ lực hướng tới năng lượng tái tạo và chống lại khủng hoảng khí hậu của châu Âu.
Thị trường năng lượng châu Âu biến động thất thường
Trước đây, thị trường vẫn bị chi phối bởi các công ty điện lực lớn của Nhà nước, giá bán buôn điện tương đối ổn định. Cụ thể, các công ty sẽ lên kế hoạch sản xuất điện theo mùa và giá chỉ tăng khi một đợt rét đậm khiến nhiều người có nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm hơn.
Khoảng cách giữa giá cao và giá thấp hàng năm trên thị trường điện trả trước ở khu vực Bắc Âu đã bùng nổ trong vài năm qua. Nguồn: Bloomberg |
Sự mở rộng của ngành công nghiệp điện gió và năng lượng mặt trời sẽ thay đổi tất cả những điều đó. Trong khi tác động lớn nhất của thời tiết là vào nhu cầu, thì sự gia tăng năng lượng tái tạo sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến cả nguồn cung.
Một buổi sáng đầy sương mù dẫn đến ít năng lượng mặt trời còn một tuần yên tĩnh tương đương với việc không sản xuất được điện gió. Và đôi khi, vấn đề có thể là do nắng nóng và gió quá nhiều, như vậy có nghĩa là giá có thể giảm xuống dưới mức 0, và nhà sản xuất phải trả tiền cho người dùng để họ sử dụng năng lượng.
Điều này dẫn đến việc lưới điện châu Âu ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào biến động mạnh của giá cả.
Các doanh nghiệp ra đời trong thời kỳ tự do hóa ngành điện đã nắm bắt lấy cơ hội này. Thay vì bán hoặc mua điện để giao dịch trước nhiều tháng hay nhiều năm như các công ty điện lực ngày xưa, giờ đây, họ lại chú trọng vào khoảng thời gian ngắn nhất của thị trường điện ngắn hạn, chỉ trong 30 phút.
Thị trường điện yên bình cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã kết thúc. Từ năm 2020 đến năm 2023, giá điện dao động gần 544 USD/MWh từ đỉnh đến đáy. Chỉ trong một năm, giá trả trước ở khu vực Bắc Âu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 503 USD vào tháng 8/2022 và sau đó giảm xuống mức thấp kỷ lục là âm 4,51 USD vào tháng 8/2023.
Các biến động giá cả hiện nay có thể rất lớn, ngay cả trong một buổi tối, tạo ra cơ hội giao dịch ngắn hạn trị giá hàng tỷ USD.
Các nhà kinh doanh năng lượng Đan Mạch là những nhóm đầu tiên trong ngành hàng hóa sử dụng giao dịch trên máy tính làm hoạt động kinh doanh chính của họ, tận dụng tối đa thị trường kỹ thuật số. Kết quả là, họ đang có một lợi thế khá tốt khi tận dụng biến động lớn về giá điện và khí đốt trong 3 năm qua.
Ví dụ như Danske Commodities do CEO Helle Østergaard Kristiansen điều hành. Cho đến năm 2020, công ty chưa bao giờ báo cáo lợi nhuận ròng hơn 80 triệu USD/năm. Lần đầu tiên thu nhập của họ tăng trên con số 100 triệu là vào năm 2021, khi công ty báo cáo lợi nhuận ròng đạt 328 triệu USD. Một năm sau, con số đó tăng lên 1,6 tỷ USD.
Danske Commodities là công ty kinh doanh năng lượng lớn nhất của Đan Mạch và cũng là công ty có lợi nhuận cao nhất, với thu nhập ròng đạt gần 1,6 tỷ USD vào năm 2022. Nguồn: Bloomberg |
Nhiều công ty khác ở vùng nông thôn phía bắc Đan Mạch cũng chứng kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của họ (một chỉ số lợi nhuận tương tự như lợi nhuận của quỹ phòng hộ) tăng hơn 100%, theo báo cáo hàng năm của các công ty.
Đây là một trong những làn sóng bùng nổ lợi nhuận lớn nhất mà ngành giao dịch hàng hóa từng chứng kiến.
Lợi thế của những công ty non trẻ
Trong số những công ty thương mại phát triển nhanh nhất, InCommodities là ví dụ điển hình cho xu hướng này. Công ty mới chỉ được thành lập 7 năm trước bởi một nhóm nhà giao dịch nhằm mục đích hợp nhất công nghệ tiên tiến với kinh doanh năng lượng. Vào năm 2022, InCommodities báo cáo lợi nhuận ròng tăng lên 1,1 tỷ USD, gấp 10 lần so với mức cao nhất mọi thời đại trước đó.
Điều tạo nên sự khác biệt của Danske, InCommodities và các nhà kinh doanh mới khác là họ hầu như không tự sản xuất điện. Hoạt động kinh doanh của họ đơn giản là giao dịch mua và bán chứ không sở hữu một doanh nghiệp lớn vận hành các nhà máy điện khí, trạm hạt nhân, trang trại năng lượng mặt trời hay tua-bin gió. Với họ, ít tài sản có nghĩa là ít khoản tiền bị ràng buộc và lợi nhuận trên mỗi cổ phần cũng lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2023, Joachim Nagel, người đứng đầu ngân hàng Đức Bundesbank, cảnh báo rằng: “Rõ ràng là thị trường năng lượng hiện rất mập mờ, không minh bạch. Đòi hỏi cần phải có nhiều quy định hơn”.
Sự gia tăng nhanh chóng của các giao dịch tự động, nơi hoạt động mua và bán diễn ra với tốc độ cực nhanh, là một vấn đề đáng lo ngại. Nagel nhận định nếu thị trường điện phát triển nhanh đến mức chỉ có máy tính mới giao dịch được thì cũng chỉ có máy tính mới giám sát được những hành vi sai phạm có thể xảy ra.
Bến cảng ở thành phố Aalborg, Đan Mạch vào ngày 15/1. Ảnh: Carsten Snejbjerg/Bloomberg |
Ngành thương mại Đan Mạch nói riêng còn bộc lộ một vấn đề khác. Việc tập trung hoạt động ở 2 thị trấn nhỏ, chỉ được hỗ trợ bởi một số ngân hàng, đặt ra câu hỏi về nguy cơ rủi ro hệ thống. Khi giá điện và khí đốt tăng cao vào năm 2022, hầu hết các công ty thương mại của thành phố Aarhus và Aalborg đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn cần thiết để theo kịp.
Nhiều nhà giao dịch khác, bao gồm cả những công ty được điều hành bởi các doanh nghiệp ở khu vực khác của châu Âu, cũng phải đối mặt với tình trạng thắt chặt thanh khoản khi giá điện tăng vào cuối năm 2021 và trong suốt năm 2022.
Cuộc khủng hoảng dẫn đến việc Hiệp hội Kinh doanh Năng lượng châu Âu (EFET) yêu cầu NHTW châu Âu và Ngân hàng Anh cung cấp tiền cho người nộp thuế để duy trì hoạt động của các công ty giao dịch.
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cần coi đây là một dấu hiệu cảnh báo. Lĩnh vực kinh doanh điện hiện không có vốn hóa tốt so với quy mô đầu tư của nó. Áp đặt yêu cầu về vốn tối thiểu tuy sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành không hài lòng, nhưng đó là điều mà các cơ quan quản lý phải xem xét.
Nếu không, tồn tại nguy cơ sẽ có một công ty thương mại phá sản, gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ trong toàn ngành và đe dọa sự ổn định của mạng lưới điện châu Âu.
>> Người dân châu Âu thắt chặt hầu bao dịp Giáng sinh