Không chỉ gây ấn tượng bởi phong cách xây dựng độc đáo, nơi đây còn gắn liền với nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng vô cùng đặc biệt.
Đền Chín Gian tọa lạc trên quả đồi Pú Pỏm thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An . Ngôi đền nằm ở độ cao 186,4m so với mực nước biển, tổng diện tích 2ha gồm nhiều hạng mục như đền chính, sân lễ hội. Đặc sắc của ngôi đền thiêng không chỉ là ở 9 con trâu, 9 vạc nước, 9 gian đền... mà còn là những nét văn hóa đặc sắc như lễ hội tắm trâu, tục hát khắp, hát nhuộm vẫn luôn được đồng bào Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ này duy trì.
Nguồn gốc của hình ảnh 9 trâu
Có một điều lý thú ở đền Chín Gian, là rất nhiều kiến trúc gắn liền với số 9 - tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Ngay từ sân đền đã có 9 tượng trâu (6 trâu đen và 3 trâu trắng) đang phủ phục, được đặt trên 9 bệ đá. Phía trước 9 con trâu là 9 vạc đựng nước mưa.
Còn ngôi đền, được xây dựng theo kiểu kiến trúc  nhà sàn của người Thái, với cách bài trí tuân theo quy ước chặt chẽ. Phần mái đền Chín Gian xòe rộng sang 4 phía, bờ nóc trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, được nâng đỡ bởi hệ thống cột cái và cột quân.
Hành lang trang trí bằng hệ thống lan can theo kiểu chấn song. Hai bên hồi có 2 cầu thang lên xuống, mỗi bên gồm 9 bậc, trong đền chia thành 9 gian, tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miếng, Mường Chón và Mường Chóng.
Đền Chín Gian được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV, tại Pú Chỏ Nhàng, gọi là Tến Pỏm (Đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Theo sử sách, ban đầu đền thờ Thẻn Phà (thờ Trời), Náng Xỉ Đà (con gái Trời).
Đến cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Pỏm, tục gọi là Pú Quái (Núi Trâu) hay còn gọi là đền Hiến Trâu (Tến Xớ Quái), thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Tại đây, đền thờ Thẻn Phà (thờ Trời), Náng Xỉ Đà (con gái Trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường).
Đồng bào dân tộc Thái vùng Phủ Quỳ (gồm 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong), xây dựng đền Chín Gian là để thờ phụng các vị thần Thẻn Phà (ông Trời), Náng Xỉ Đả (con gái Trời) và Tạo Mường (vua của người Mường) Tạo Ló Ỳ.
Tương truyền, Tạo Ló Ỳ là người giúp dân lập bản, dựng mường và trở thành vị chúa đất đầu tiên nơi đây. Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản, được gọi là Mường Tôn (Mường chủ, Mường gốc). Các mường được lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Pha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón. Dưới tài đức cai quản của Tạo Ló Ỳ, cuộc sống người Thái ở đây đã khấm khá hơn.
Truyền thuyết trong đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ lưu truyền rằng: khi Ló Ỳ lập mường, dân cư sinh sống, làm ăn ngày càng phát đạt. Để tạ ơn trời đất, người làng đã xây dựng đền Chín Gian, hằng năm đều mang trâu đến cúng lễ.
Trong một lần đang thực hiện nghi thức tắm trâu, thì có một con rồng đến cuốn trâu vào hang đá. Dân làng cho là điềm xấu, nên đã giết trâu để tế thần. Ít hôm sau, từ trong hang đá mà trâu bị cuốn vào xuất hiện một con quạ cổ trắng; miệng ngậm chiếc xương trâu bay vòng quanh núi Pú Pỏm thuộc bản Piếng Chào, rồi thả khúc xương xuống đó. Tin là lời thần linh chỉ bảo, cả dân làng sau này đã di dời ngôi đền về nơi con quạ thả khúc xương trâu.
Gắn liền với nét đặc sắc trong tín ngưỡng của đồng bào Thái
Hiện tại, đền Chín Gian đã được UBND tỉnh Nghệ An  công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008. Các hoạt động tín ngưỡng gắn với đền Chín Gian đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ.
Hằng năm, lễ hội đền Chín Gian được tổ chức vào ngày 14-16/2 Âm lịch, trong đó có nhiều hoạt động vui chơi đặc sắc. Đây là dịp để người dân 9 bản 10 mường vùng Phủ Quỳ, cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Ông Ngân Văn Cường, thủ từ đền Chín Gian kể: Đây là dịp để người dân 9 bản 10 mường vùng Phủ Quỳ, cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Lễ hội đền Chín Gian có nhiều phần, như lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ hiến trâu (lễ nạp quái), lễ chém trâu (lễ phắn quái).
Điểm đặc sắc, độc đáo của lễ hội đền Chín Gian là lễ hiến trâu. Những năm gần đây, nghi lễ hiến trâu vẫn được duy trì, nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng. Trâu cái màu trắng là món lễ vật không thể thiếu của người dân Mường Tôn dâng lên ông trời và Tạo Ló Ỳ.
Hai mường khác là Mường Quáng và Mường Puộc cũng hiến trâu trắng, nhưng là trâu đực, những mường còn lại cúng trâu đen. Những con trâu được chọn phải khỏe mạnh, không bị khuyết tật. Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan), lễ hiến trâu sẽ được tiến hành trong tiếng reo hò của đông đảo người dân tham dự.
Ngoài lễ hiến trâu, nơi đây còn có tục hát khắp, hát nhuộm của đồng bào Thái vào ngày diễn ra nghi thức tế hội. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6 - 8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên Mường Trời, trong hành trình ấy có cả đường sông, đường bộ.
Theo ông Ngân Văn Cường, khi bà mo cúng đến chỗ đi thuyền, các cô gái hát “hắp khắp nhứa” (hát đẩy thuyền) tới chỗ Vua ở thì hát Chầu Phủa (lạy vua). Tại cuộc lễ, còn có thêm lễ thả chim phóng sinh - một việc thiện tốt lành dâng lên các vị thần linh.
Bên cạnh phần lễ trang trọng, phần hội cũng náo nhiệt và thu hút sự chú ý của nhiều người. Mỗi mường cử ra 9 đấu thủ đua tài trong trò chơi bắn cung nỏ. Phần thưởng là những mảnh vải vuông do các cô gái tự dệt, một hộp đựng thuốc bằng bạc và một túi da đựng trầu cau. Các tiết mục nghệ thuật mang đậm nét văn hóa dân tộc như nhảy sạp, hát giao duyên, đặc biệt là hát lăm... chúc cho 9 bản 10 mường được bình yên, no ấm.
Lễ hội đền Chín Gian không chỉ là dịp để người dân 9 mường cầu bình an, mưa thuận gió hòa, mà còn là thời điểm để trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đến du khách như mây tre đan, thổ cẩm hay các món ăn độc đáo đến từ các xã Mường Nọc, Châu Kim…, cũng như trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái thông qua nhiều hoạt động vui chơi, ca múa nhạc.
Lãnh đạo huyện Quế Phong chia sẻ: “Phần hội là các hoạt động thi hội trại với bản sắc nhà sàn Thái cổ; các trò chơi dân gian như nhảy sạp, ném còn; hội thi gói bánh chưng, thổi cơm lam, thi mâm ẩm thực của các xã, thị trấn; hoạt động văn nghệ gồm thi đánh trống, cồng, chiêng, khắc luống và hát xuối, nhuôn đối đáp, thi văn nghệ, thi người đẹp; bên cạnh đó là các môn thể thao dân tộc như chọi gà, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ, đi cà kheo...”
Nhờ bảo tồn được những dấu ấn kiến trúc và nét đẹp văn hóa truyền thống, 15/04/2023, đền Chín Gian được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay, đây trở thành một trong những điểm đến tham quan hấp dẫn tại vùng Quế Phong, Nghệ An.