Lộ diện những tàu bay thương mại 'độc nhất vô nhị'
Triển lãm Hàng không Chu Hải - triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc lần thứ 15 vừa khai mạc ngày 12/11, với nhiều loại tàu bay và khí cầu dân dụng độc đáo.
Nhiều dòng máy bay phản lực chở khách do Trung Quốc tự phát triển
Tân Hoa Xã cho biết, ngay trong ngày khai mạc, Hãng hàng không Air China đã ký kết thỏa thuận với COMAC, về việc mua bán dòng máy bay thân rộng C929 do COMAC chế tạo với Hãng hàng không Air China.
Đài truyền hình CCTV đánh giá, Air China sẽ là hãng hàng không đầu tiên sử dụng COMAC C929 - loại máy bay có sức chứa 280 chỗ ngồi, cùng tầm hoạt động 12.000km, đủ khả năng bay thẳng từ Bắc Kinh đến New York - Mỹ, tương đương với dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Mô hình máy bay chở khách thân rộng C929 của COMAC tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: CCTV. |
Sina thông tin, cũng tại triển lãm hàng không Chu Hải, COMAC thông báo Hãng hàng không Hainan Airlines đã đặt mua 60 máy bay thân hẹp C919 và 40 máy bay C909 - trước đây có tên là ARJ21 của tập đoàn này. Tương tự, Hãng hàng không Colorful Guizhou Airlines đã ký hợp đồng mua 30 chiếc C909.
Cũng theo Sina, C919 là dòng máy bay chở khách lớn do Trung Quốc tự phát triển, đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5/2023.
Máy bay C919 đầu tiên trên thế giới được trưng bày tại gian hàng của Hãng hàng không China Eastern Airlines. |
Đối với C909, từ năm 2016 đến nay đã có tổng cộng 150 máy bay được bàn giao, phục vụ hơn 17 triệu hành khách .
Xin Hua cho biết, hiện nay máy bay C909 có thể bố trí nhiều loại khoang khác nhau, bao gồm khoang hai hạng 78 chỗ, hạng phổ thông 90 chỗ, hạng phổ thông mật độ cao 95 hoặc 97 chỗ… và có hiệu suất tốt khi hạ cánh tại các sân bay có đường băng ngắn và hẹp, độ lạnh cao, nhiệt độ cao và cao nguyên.
Máy bay phản lực C909 tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 15. Ảnh: CFP. |
Ngoài ra, C909 còn có khả năng chịu được gió ngang, giúp nó có khả năng thích ứng cao với môi trường hoạt động ở biên giới Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và các khu vực khác.
Đặc biệt, máy bay C909 còn có thể sử dụng nhiên liệu SAF với tỷ lệ pha trộn lên tới 50% cho các chuyến bay thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo dự báo thị trường được COMAC đưa ra vào cuối năm 2022, trong giai đoạn 2022 - 2041, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc sẽ đón nhận 9.284 máy bay chở khách mới, trong đó có 6.288 máy bay phản lực một lối đi.
Ra mắt tàu con thoi và khí cầu dân dụng
AP cho biết, tại triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc giới thiệu mô hình tàu con thoi chở hàng tái sử dụng mang tên Haoloong. Đây là tàu vũ trụ thương mại, chuyên đảm nhiệm vai trò vận chuyển hàng hóa ngoài không gian.
Mẫu tàu này có sải cánh lớn, được thiết kế và phát triển độc lập bởi Viện Thiết kế máy bay Thành Đô, thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc. Tàu này hướng đến việc thiết lập một hệ thống vận chuyển hàng hóa an toàn, đáng tin cậy, đa dạng và hiệu quả giữa trái đất và các trạm ngoài không gian.
Tàu con thoi chở hàng tái sử dụng mang tên Haoloong giúp giảm thêm chi phí vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ. Ảnh: CCTV. |
Điểm đặc biệt của Haoloong là sau khi hoàn tất nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nó sẽ tự động quay trở lại trái đất mà không cần nạp năng lượng. Do được thiết kế để tái sử dụng, tàu sẽ hạ cánh an toàn theo chiều ngang tại sân bay được chỉ định, thay vì tự hủy trong quá trình tiếp đất.
CNN đánh giá, so với các phương tiện truyền thống, khả năng tái sử dụng của tàu Haolong được kỳ vọng sẽ giúp giảm thêm chi phí vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ.
Global Times thông tin, trong ngày đầu của triển lãm, AS700 - tàu bay dân dụng dạng khí cầu có người lái do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc - AVIC tự phát triển, đã nhận được 10 đơn đặt hàng từ một công ty hàng không thuộc tập đoàn Kanglv Holding, và một đơn đặt hàng có chủ đích cho 54 khí cầu nữa.
AS700 - tàu bay dân dụng dạng khí cầu có người lái của Trung Quốc. Ảnh: AVIC. |
Trước đó, trong lễ hội mua sắm trực tuyến thường niên "Double 11" vào ngày 11/11, sau khi AS700 được niêm yết trên Taobao.com - nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, tập đoàn đầu tư xây dựng đô thị Jingmen đã đặt hàng có chủ đích cho 60 khí cầu bổ sung tại lễ ký kết.
AVIC thông tin, hiện khinh khí cầu AS700 đầu tiên đã được giao cho khách hàng tiên phong, và chuyến bay thương mại đầu tiên của nó dự kiến sẽ sớm được triển khai.
AS700 thực hiện thành công chuyến bay bàn giao đầu tiên hôm 30/3. Ảnh: AVIC. |
AS700 có tổng phạm vi di chuyển là 700 km và thời gian bay là 10 giờ, với tốc độ tối đa là 100 km/giờ. Nó có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 4.150 kg và có thể chứa tối đa 10 hành khách, bao gồm cả phi công.
Vào ngày 21/8/2024, AS700 đã hoàn thành chuyến bay liên tỉnh thành công đầu tiên trên 1.000 km, đánh dấu hành trình dài nhất và xa nhất từng được thực hiện bởi một phi thuyền có người lái tự chế.
Tại triển lãm, còn có một số mẫu máy bay chở hàng và chở khách do Trung Quốc tự phát triển, ví dụ như máy bay cỡ lớn Y-20F100.
Triển lãm trưng bày mô hình máy bay chở hàng dân dụng cỡ lớn Y-20F100. Ảnh: VCG. |
Bloomberg đánh giá, với các dòng máy bay phản lực chở khách tự phát triển, Trung Quốc đặt mục tiêu thâm nhập thị trường máy bay thương mại chở khách - vốn đang do 2 tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus “thống trị”...
NASA phóng tàu vũ trụ, phát hiện ‘đại dương ngầm’ có thể chứa sự sống 
Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-19 lên trạm Thiên Cung