Lý do Ấn Độ bắn tên lửa siêu thanh vào Pakistan năm 2022
Không quân Ấn Độ (IAF) vừa tiết lộ các chi tiết đằng sau vụ vô tình phóng tên lửa siêu thanh BrahMos vào Pakistan cách đây hai năm.
Tờ Indian Times ngày 30/3 dẫn báo cáo IAF gửi lên tòa án cấp cao New Delhi cho biết, trong vụ việc xảy ra hồi 9/3/2022, một tên lửa của Ấn Độ  đã vi phạm không phận của Pakistan và rơi xuống Mian Channu, phía đông của nước láng giềng.
Pakistan đã lên án hành vi "vi phạm trắng trợn" không phận nước này nhưng kiềm chế không thực hiện biện pháp đáp trả nào. Ấn Độ cho biết, vụ phóng trên là do trục trặc kỹ thuật và gọi toàn bộ vụ việc là vô cùng đáng tiếc trong thư xin lỗi chính thức gửi tới Pakistan.
Trong tuần này, IAF lần đầu tiên tiết lộ nguyên nhân vụ bắn nhầm. Theo lực lượng này, các đầu nối chiến đấu của tên lửa (vẫn được kết nối với hộp nối) đã dẫn tới tai nạn trên. Và rằng, chỉ huy đơn vị của một đoàn xe vận chuyển bệ phóng tên lửa đã không đảm bảo được việc di chuyển an toàn do không ngắt các đầu nối chiến đấu với các tên lửa đã được nạp.
IAF thừa nhận vụ việc trên đã ảnh hưởng tới quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, khiến danh tiếng của lực lượng này bị tổn hại. IAF cho biết, 3 quan chức liên quan tới vụ việc đã bị sa thải.
IAF đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại đơn thỉnh cầu mà một trong ba quan chức bị sa thải đệ trình lên tòa án cấp cao New Delhi. Người này đã đổ lỗi vụ việc cho hai chỉ huy còn lại. Tuy nhiên, IAF phủ nhận cáo buộc của ông.
Vụ vô tình phóng tên lửa của Ấn Độ đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, đặc biệt khi Ấn Độ và Pakistan, cả hai quốc gia hạt nhân, đều là những đối thủ khốc liệt và đã xảy ra một số cuộc đụng độ vũ trang trong những năm qua.
Mỹ chấp nhận lời giải thích của Ấn Độ rằng vụ phóng nhầm là một tai nạn, trong khi Trung Quốc kêu gọi hai nước cùng nhau điều tra vấn đề và tìm cách tránh “sự hiểu lầm và đánh giá sai lầm” trong tương lai, đồng thời lưu ý rằng cả hai đều là "các quốc gia quan trọng ở Nam Á, chịu trách nhiệm về duy trì an ninh và ổn định khu vực".
>> Ấn Độ muốn trở thành cường quốc bán dẫn toàn cầu trong vòng 5 năm