Miền Trung Việt Nam sắp có trung tâm năng lượng sạch
Đây là tỉnh nằm ở nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị  sẽ khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình, xác định nội dung trọng tâm và nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; khai thác và khơi thông các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại thông minh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp,...sớm hiện thực hóa quy hoạch, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương, niềm tin của doanh nghiệp.
>> Hé lộ thời điểm ‘nâng đời’ dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gần 100km 
Cũng theo quy hoạch này, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Trị sẽ đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Trị cũng hướng đến việc xây dựng 4 tiểu vùng phát triển bao gồm: Vùng trung du và đồng bằng cao; Vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; Vùng trũng; Vùng núi phía Tây.
Ngoài ra, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng 5 hành lang phát triển là hành lang trung tâm gắn với Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam, hành lang ven biển gắn với đường ven biển, hành lang Đông - Tây dọc theo Quốc lộ 9, hành lang Đông - Tây dọc theo Quốc lộ 15D, hành lang phụ trợ dọc theo biên giới, hành lang phụ trợ dọc theo đường 9D.
Đồng thời, địa phương sẽ lên phương án phát triển Khu kinh tế Đông Nam với diện tích 23.792ha thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm điện khí, công nghiệp khí; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp silicat; sản xuất vật liệu xây dựng;
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo với diện tích 15.804ha thành trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ tổng hợp, hướng tới hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn. Đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu cửa khẩu quốc tế La Lay. Tăng cường kết nối giao thương với các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ngoài 4 khu công nghiệp đã được hình thành, Quảng Trị sẽ phát triển thêm 9 khu công nghiệp tại các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Cam Lộ với tổng diện tích khoảng 2.500ha và 28 cụm công nghiệp với diện tích 1.000ha; phát triển khu du lịch biển đảo Cửa Việt Cửa Tùng - Cồn Cỏ thành khu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, văn hóa lịch.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam. Nơi đây có cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền dọc theo vĩ tuyến 17.
>> Cảng biển lớn nhất 'đảo ngọc' Phú Quốc chính thức hoạt động trở lại