Chuyên ngành mới ‘Thiết kế và phát triển game’ năm nay sẽ được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tuyển lứa sinh viên đầu tiên. Từ khi về Bộ TT&TT, PTIT đã mở mới 16 ngành, chương trình đáp ứng nhu cầu nhân lực TT&TT.
Mười năm mở mới 19 ngành, chương trình đào tạo
Trong buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT vào ngày 19/3 vừa qua, đưa ra yêu cầu nhà trường phải chuyển đổi số để vươn lên trở thành đại học hàng đầu về công nghệ số của Việt Nam và khu vực, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chỉ rõ: Học viện cần tận dụng hiệu quả lợi thế của mình là đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, tập trung đào tạo các nghề mới về công nghệ số vào coi đây là sự khác biệt căn bản của trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết: Sau khi chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT, trường đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định được uy tín và chất lượng trước người học và xã hội. Hiện nay, Học viện nằm trong nhóm các trường hàng đầu Việt Nam về đào tạo ICT, đa phương tiện; đồng thời là trường đi đầu về chuyển đổi số giáo dục đại học và thuộc nhóm thứ hạng cao về đào tạo kinh tế và quản trị số.
Hiện thực hóa các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, thời gian qua, cùng với việc dần hình thành mô hình giáo dục  đại học số, Học viện đã liên tục mở mới các ngành, chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành TT&TT và đất nước.
Dự kiến, trong năm 2024, ba chương trình gồm cử nhân quan hệ công chúng, kỹ sư CNTT Việt – Nhật, cử nhân thiết kế và phát triển game sẽ được Học viện tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngay trong năm nay.
Với kế hoạch trên, tính từ khi chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT cho đến hết năm 2024, Học viện đã và sẽ mở mới 19 ngành, chương trình đào tạo, gồm 11 ngành, chương trình đào tạo đại học trong nước; 4 chương trình liên kết quốc tế, 2 chương trình chất lượng cao bậc đại học và 1 chương trình đào tạo Thạc sĩ CNTT bằng tiếng Anh.
Các ngành, chương trình đào tạo đại học hệ chính quy đã được Học viện tuyển sinh và đào tạo trong các năm trước có thể kể đến như: Truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử, báo chí số, khoa học dữ liệu, IoT, cử nhân CNTT định hướng ứng dụng...
Song song với việc tiếp tục tăng quy mô đào tạo, Giám đốc Học viện Đặng Hoài Bắc cũng khẳng định thời gian tới trường sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện cũng sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động, quản lý; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác. Từ đó, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín và thương hiệu của Học viện.
Sinh viên học thiết kế và phát triển game sẽ học gì, làm ở đâu?
Quan điểm của Bộ TT&TT trong với các lĩnh vực của ngành là quản lý, thúc đẩy phát triển lành mạnh. Với game, theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), đây không phải là ngành chơi game như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà là ngành có cả một hệ sinh thái gồm sản xuất, phát hành và các hoạt động liên quan đến game.
Ngành game Việt Nam  hiện còn non trẻ, vì thế cần được nuôi dưỡng và có chính sách để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh việc phát triển ngành game Việt Nam theo hướng khuyến khích sản xuất, phát hành game do người Việt xây dựng để giảm tỷ lệ game nhập khẩu, Bộ TT&TT cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành game.
Là trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ TT&TT, theo định hướng của Bộ TT&TT, năm 2023 Học viện thực hiện nhiều việc và hiện đã được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai chương trình đào tạo đại học về thiết kế và phát triển game, một chuyên ngành thuộc ngành Công nghệ đa phương tiện.
Trao đổi tại buổi làm việc ngày 19/3, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do nhấn mạnh sự quyết liệt của trường để có thể sớm tuyển sinh và đào tạo nhân lực trình độ đại học về thiết kế game. Đồng thời, ông cũng cho rằng mục tiêu quan trọng hơn là tiến tới để chương trình này được nâng cấp thành ngành đào tạo có mã riêng.
Để đạt được điều này, theo ông Lê Quang Tự Do, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, thời gian tới khi tổ chức đào tạo chuyên ngành thiết kế  và phát triển game, Học viện cần chứng minh được chất lượng, hiệu quả của chương trình.
Cho biết một đơn vị khác của Bộ TT&TT là Tổng công ty VTC đang triển khai các công việc để tháng 5/2024 có thể ra mắt trung tâm đào tạo về game, ông Lê Quang Tự Do đề nghị Học viện và VTC bàn bạc tìm ra cách để sao cho có sự liên thông giữa chương trình đào tạo của 2 đơn vị, bao gồm chương trình ngắn hạn của VTC và đào tạo dài hạn của Học viện.
Thông tin với VietNamNet, đại diện Viện CNTT-TT của Học viện cho biết, mục tiêu cơ bản của chương trình đào tạo thiết kế và phát triển game là cung ứng nguồn nhân lực có khả năng làm chủ các công nghệ thiết kế và phát triển game ở trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp game Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.
“Các sinh viên tốt nghiệp có thể xây dựng các game không chỉ hấp dẫn người chơi mục tiêu, có khả năng tạo ra doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông... góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như quảng bá văn hoá Việt Nam ra cộng đồng quốc tế”, đại diện CDIT chia sẻ.
Cũng như các thí sinh đăng ký vào 21 ngành, chương trình đào tạo đại học của Học viện năm 2024, thí sinh muốn theo học về thiết kế và phát triển game cần đăng ký tuyển sinh vào ngành Công nghệ đa phương tiện của trường theo 1 trong 4 phương thức. Tổng thời gian đào tạo của chương trình này 4 năm (8 học kỳ) với tổng số 135 tín chỉ. Trên nền tảng vững chắc về CNTT, công nghệ đa phương tiện, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng kiến thức liên ngành như toán học, văn hoá, tâm lý, kinh tế , pháp luật và marketing. |
Người Việt đã dễ dàng nhận diện ứng dụng của cơ quan nhà nước trên Google Play 
Hơn 12,4 triệu người dân Việt Nam trưởng thành đã dùng chữ ký số