Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán
Xi măng Công Thanh lún sâu vào khủng hoảng khi khoản lỗ lũy kế chạm mốc 8.647 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 7.747 tỷ đồng. Với nợ phải trả gần 20.000 tỷ đồng và kiểm toán từ chối kết luận báo cáo tài chính, tương lai doanh nghiệp ngày càng mờ mịt.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của Xi măng Công Thanh tiếp tục cho thấy bức tranh tài chính u ám. Đơn vị kiểm toán DFK Việt Nam đã từ chối đưa ra kết luận do hàng loạt vấn đề tài chính chưa thể xác minh, đồng thời đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp xi măng này.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 |
Tình hình tài chính: Nợ ngập đầu, tài sản "đóng băng"
Tại thời điểm 30/6/2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận:
- Lỗ lũy kế 8.647 tỷ đồng;
- Vốn chủ sở hữu âm 7.747 tỷ đồng;
- Tổng tài sản 11.811 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định gần 10.800 tỷ đồng);
- Lượng tiền mặt còn 1,5 tỷ đồng.
- Nợ phải trả: Gần 20.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính vượt 7.300 tỷ đồng.
>> Xi măng Công Thanh: Nợ 7.300 tỷ đồng - tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ, vốn chủ âm nặng vì lỗ lũy kế 
Áp lực vay nợ chồng chất
Doanh nghiệp đang phải đối mặt với các khoản vay quá hạn lớn, bao gồm:
- Vay dài hạn quá hạn: 1.192 tỷ đồng;
- Vay trái phiếu quá hạn: 443 tỷ đồng tại VietinBank;
- Vay ngắn hạn quá hạn: 287 tỷ đồng tại SHB;
- Lãi vay ngắn hạn quá hạn: 388 tỷ đồng;
- Lãi vay dài hạn quá hạn: 10.558 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, VietinBank là chủ nợ lớn nhất, với dư nợ 4.650 tỷ đồng (bao gồm 3.259 tỷ đồng vay dài hạn). Các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo, lãi suất dài hạn dao động từ 8-11%/năm, chủ yếu sử dụng để đầu tư vào dây chuyền 2 nhà máy xi măng tại Thanh Hóa.
Với hàng loạt vấn đề tồn tại, Kiểm toán DFK đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính soát xét của công ty với các lý do:
- Không xác định được thời điểm huy động vốn mới: Dù ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng vốn nhưng kiểm toán cho rằng không thể đánh giá khả năng thành công của kế hoạch này.
- Vấn đề tài chính chưa minh bạch: Không thể xác định hoặc điều chỉnh giá trị các khoản phải thu ngắn hạn, trả trước cho người bán, và các khoản phải thu dài hạn.
Xi măng Công Thanh xoay xở thế nào?
Báo cáo tài chính cho thấy tình hình lưu chuyển tiền tệ vô cùng khó khăn:
- Chi phí lãi vay: 546 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 145 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều lần doanh thu tạo ra;
- Tiền lãi vay thực trả: Bằng 0;
- Tiền thu từ đi vay: Bằng 0;
- Tiền trả nợ gốc vay: Chỉ 1,8 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 |
Mặc dù quy mô tài sản gần 12.000 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, tài chính, và đầu tư chỉ dao động vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, gần như không có khả năng xoay chuyển tình hình.
Khủng hoảng tồn tại
Đối mặt với áp lực tài chính, ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh vẫn khẳng định doanh nghiệp có khả năng tạo ra dòng tiền để duy trì hoạt động và trả một phần khoản vay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng này là rất mong manh khi: (1) Cơ cấu nợ của VietinBank yêu cầu thanh toán lãi vay dài hạn phát sinh đến năm 2035; (2) Các khoản vay đã quá hạn ngày càng tăng; (3) Dòng tiền hiện tại gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.
Kiểm toán cũng cảnh báo rằng nếu không có sự hỗ trợ từ nhà đầu tư mới hoặc chủ nợ, khả năng Xi măng Công Thanh duy trì hoạt động liên tục là rất khó khăn.
Với tình trạng tài chính mất cân đối trầm trọng, nợ chồng chất và hoạt động kinh doanh cầm chừng, Xi măng Công Thanh đang đối mặt với nguy cơ tồn tại rất lớn. Việc tái cấu trúc toàn diện, tìm kiếm nhà đầu tư mới và cải thiện hiệu quả quản lý tài chính là những giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp khỏi khủng hoảng.