Nghịch lý: Ngành công nghiệp Trung Quốc suy giảm, giá đồng và quặng sắt vẫn ổn định

04-05-2022 13:25|Ngọc Lan

Giá các kim loại chủ chốt là đồng và quặng sắt không có nhiều biến động bất chấp chỉ số sản xuất của Trung Quốc – có tầm ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý – sụt giảm.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 4/2022 đã giảm xuống 47,4 điểm, so với 49,5 điểm của tháng 3/2022 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020, thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm 30/4.

Việc Trung Quốc phong tỏa kéo dài nhiều thành phố lớn sẽ khiến nước này gặp nhiều thách thức hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022, đặc biệt là khi quý hiện tại có vẻ yếu, với một số nhà kinh tế cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng rơi vào vùng âm.

Với việc thị trường đang gia tăng những lo lắng về kinh tế của Trung Quốc, điều đáng ngạc nhiên là giá một số kim loại công nghiệp quan trọng không giảm nhiều.

Tác động tới giá quặng sắt

Không có mặt hàng chính nào phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc hơn quặng sắt, với gần 70% lượng quặng sắt vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu là tới khách hàng lớn nhất thế giới này.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (giao ngay tại cảng biển) – là hợp đồng tham chiếu cho thị trường toàn cầu – kết thúc ngày 29/4 ở mức 146,50 USD/tấn, theo dữ liệu của cơ quan báo giá hàng hóa, Argus.

Mức giá này thấp hơn 8,5% so với mức cao kỷ lục của năm nay, là 160,3 USD/tấn, đạt được hôm 8/3, sau khi Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt ở Ukraine – quốc gia trước đây là nhà vận chuyển quặng sắt lớn thứ 4 thế giới.

Tuy nhiên, giá hiện vẫn đang cao hơn mức 105,95 USD/tấn - mức giá phổ biến vào tháng 10 năm 2021, khi chỉ số PMI của Trung Quốc lần gần đây nhất giảm xuống dưới mức 50.

Mức giá đó cũng cao hơn đáng kể so với 83,15 USD/tấn vào tháng 2 năm 2020, khi chỉ số PMI của Trung Quốc lao dốc do làn sóng đại dịch COVID-19 đầu tiên, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Có những yếu tố khác thúc đẩy giá quặng sắt, bên cạnh sức mạnh tương đối của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số yếu tố trong số này cũng có vẻ không như kỳ vọng, đó là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và xây dựng.

Tác động tới giá đồng

Giống như quặng sắt, giá đồng vẫn tăng dù chỉ số PMI của Trung Quốc suy yếu.

Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng đồng tinh luyện trên toàn cầu và là nhà nhập khẩu đồng nhất thế giới.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) hôm 30 tháng 4 ở mức 9.769,50 USD/tấn, giảm 8,5% so với mức đóng cửa cao kỷ lục, là 10,674 USD vào ngày 4/3.

Tuy nhiên, hợp đồng này vẫn có giá cao hơn nhiều so với mức giá khi chỉ số PMI của Trung Quốc nhiều lần giảm xuống mức âm trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích nâng dự báo thâm hụt thị trường đồng lên 110.000 tấn trong năm nay so với mức thiếu 37.000 tấn dự báo hồi tháng Giêng.

Có thể xảy ra trường hợp giá quặng sắt và đồng được giao dịch ở mức tăng, do kỳ vọng vào chương trình kích thích kinh tế lớn của Bắc Kinh trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các chi tiết về những biện pháp kích thích, chẳng hạn như quy mô của các gói cứu trợ và tốc độ cung cấp những gói này.

Nước cạnh Việt Nam xây cầu cao hơn 500m tốn 3,6 nghìn tỷ đồng, lập tức trở thành kỳ quan kỹ thuật của thế giới

Nhận thêm 36 toa hàng từ Trung Quốc, từng tuyên bố 'đừng tập trung vào đường sắt cao tốc', Campuchia tham vọng điều gì?

Bài thuộc chủ đề Khai khoáng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nghich-ly-nganh-cong-nghiep-trung-quoc-suy-giam-gia-dong-va-quang-sat-van-on-dinh-133575.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nghịch lý: Ngành công nghiệp Trung Quốc suy giảm, giá đồng và quặng sắt vẫn ổn định
    POWERED BY ONECMS & INTECH