Người nước ngoài được sở hữu nhà nhưng không gắn với quyền sử dụng đất
Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ thống nhất quy định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất và bổ sung quy định người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà ở 1 lần.
Kiến nghị trên được Bộ Xây dựng nêu tại tờ trình dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa gửi tới Chính phủ.
Bộ Xây dựng cho biết, liên quan đến việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài, có đại biểu Quốc hội kiến nghị chỉ nên quy định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu và Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ thống nhất quy định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất và bổ sung quy định người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà ở 1 lần.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung quy định trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sau đó bán lại cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người mua được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước.
Trao đổi tại một hội thảo mới đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)...
Theo ông Hải, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, những đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật cũng đề cập người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua một trong các hình thức sau: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định, người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được mua nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Luật cũng quy định rõ người nước ngoài không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, không quá 10% số lượng dự án (biệt thự hoặc nhà riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng hoặc không quá 250 căn trong một đơn vị hành chính phường.
Còn theo Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay gọi là mua đất) tại Việt Nam.
Kiểm tra thực địa vụ cháy quán hát 11 người chết, Bộ Xây dựng chỉ đạo khẩn 
Hợp nhất Bộ Xây dựng, Bộ GTVT để hình thành bộ mới mạnh hơn