Xã hội

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình

Thái Hà 24/04/2025 - 07:12

Phục dựng chân dung liệt sĩ không chỉ là hành động nhân văn, mà là hành trình đầy xúc cảm của người đứng sau những khuôn mặt đã mờ phai theo năm tháng.

“Có nơi nào như đất nước chúng ta,

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ,

Khi giặc đến vạn người con quyết tử,

Cho một lần Tổ quốc được sinh ra…”

(Nguyễn Việt Chiến)

Chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ nhưng nỗi đau, mất mát vẫn khắc sâu trong trái tim những gia đình liệt sĩ . Những người mẹ ngoài trăm tuổi mỏi mòn tìm con, những người vợ khắc khoải đợi chồng, những đứa con đã bạc đầu khao khát hình bóng cha – tất cả đều ôm nỗi đau không nguôi.

Đau xót hơn, có những gia đình thậm chí còn không thể giữ lại một bức ảnh trọn vẹn của người thân đã hy sinh. Với họ, một tấm ảnh không chỉ là kỷ vật mà là sợi dây kết nối yêu thương, là hình ảnh thiêng liêng để con cháu đời sau khắc ghi công ơn cha ông.

Có người thân là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, chàng trai Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991, quê Nghệ An) càng thấu hiểu nỗi đau đó. Đó cũng chính là động lực để anh thành lập Team Lee và dành suốt 3 năm để phục dựng chân dung các liệt sĩ. Từ những tấm ảnh cũ kỹ, mờ nhòe, anh thổi hồn vào từng nét mặt, biến chúng thành những kỷ vật sống động, giúp hàng nghìn liệt sĩ được “đoàn tụ” với gia đình sau hơn nửa thế kỷ xa cách.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 1
Anh Lê Quyết Thắng - người khởi xướng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ để trao tặng các gia đình, thân nhân nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc
Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 2

Anh Lê Quyết Thắng kể, điều thôi thúc anh bắt đầu hành trình phục dựng chân dung liệt sĩ xuất phát từ chính lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, trong đó có người bác liệt sĩ của chính anh. “Tôi rất tự hào và may mắn khi có bác là liệt sĩ. Đó là động lực lớn để anh theo đuổi công việc này”, anh tâm sự.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 3

Cơ duyên anh Thắng gắn bó với công việc ý nghĩa này là vào năm 2022, khi anh nhận được một yêu cầu phục dựng chân dung một liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam. Bức ảnh mà anh nhận được không phải là một tấm hình thông thường – nó được vẽ bằng máu, do đồng đội của liệt sĩ mang về. Điều khiến anh ám ảnh là vị liệt sĩ ấy hy sinh chỉ vài ngày trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

“Câu chuyện đó khiến tôi xúc động, đau xót. Vì vậy, dù rất khó khăn, tôi quyết định phục dựng bức ảnh và trao tận tay gia đình”, anh kể. Khoảnh khắc trao bức ảnh cho thân nhân liệt sĩ, anh nhận ra ý nghĩa lớn lao của công việc mình đang làm. “Họ đón nhận bức ảnh như đón một người thân từ quá khứ trở về. Đó là một cảm xúc rất linh thiêng, khó tả”.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 4

Từ đó, anh Thắng nhận ra rằng phía sau mỗi tấm ảnh cũ kỹ là một câu chuyện, một nỗi đau và cả những giấc mơ chưa trọn vẹn của các gia đình liệt sĩ. Đâu đó trên đất nước hôm nay, vẫn có những gia đình mong ngóng bức ảnh từ anh.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 5
Mẹ Việt Nam anh hùng bật khóc khi nhìn thấy con trai sau 56 năm xa cách. Ảnh chụp tháng 7/2024

Công việc phục dựng không chỉ là tái hiện hình ảnh, mà còn là cách để anh tri ân những anh hùng đã ngã xuống, đồng thời lan tỏa giá trị lịch sử đến thế hệ trẻ. “Có lịch sử thì mới có tương lai”, anh khẳng định, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử trong bối cảnh xã hội đang dần hướng về những giá trị hiện đại.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 6
Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 7

Ban đầu, anh Thắng làm việc một mình, cặm cụi từng đêm với những bức ảnh mờ nhòe, rách nát.

Anh kể, ngày trước, mỗi bức ảnh mất 6-8 tiếng để hoàn thành, nhưng anh sớm nhận ra rằng một mình không thể đáp ứng được hàng ngàn yêu cầu từ các gia đình trên khắp cả nước. “Sau khi chia sẻ dự án trên mạng xã hội, tôi bất ngờ nhận được hàng chục nghìn tin nhắn và vô số bình luận từ những người muốn nhờ phục dựng ảnh liệt sĩ. Nhìn những bức ảnh phai mờ theo thời gian, không còn nhìn rõ mặt, tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều”, anh nói.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 8

Vậy là Team Lee ra đời, bắt đầu với 6 thành viên vào năm 2022. Chỉ trong một tháng, nhóm đã phục dựng hơn 200 bức ảnh để kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ . Đến nay, Team Lee đã phát triển lên 15 thành viên, trở thành một tập thể gắn kết bởi chung một sứ mệnh: mang hình ảnh các liệt sĩ trở về với gia đình.

“Chúng tôi không tính phí, chỉ mong có sức khỏe để làm nhiều nhất có thể”, anh Thắng chia sẻ. Từ con số vài trăm bức ảnh, nhóm đã phục dựng khoảng 7.000-8.000 bức trong 3 năm qua, dù con số thực tế có thể còn lớn hơn vì nhóm không còn đếm nữa. “Đã cho đi thì không nên tính toán. Vì họ là những anh hùng - xứng đáng được nhớ mặt, lưu tên”, anh nói với nụ cười nhẹ nhõm.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 9
3 năm qua, anh Thắng cùng Team Lee đã trao hàng nghìn bức ảnh đến các gia đình liệt sĩ

Công việc của Team Lee không chỉ dừng ở việc phục dựng ảnh, nhóm còn chủ động tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ qua mạng xã hội, kết hợp với chính quyền địa phương để tiếp cận các gia đình.

“Chiến tranh đã qua lâu, nhưng vẫn còn nhiều người mẹ, người vợ đang khắc khoải chờ đợi hình ảnh người thân”, anh Thắng xúc động chia sẻ. Trong dịp 30/4 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, nhóm anh Thắng dự định trao gần 100 bức ảnh tại Phú Yên và 115 bức tại Bắc Giang.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 10
Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 11
Mẹ Nguyễn Thị Ba (quê Nghệ An) nhận món quà đặc biệt, đó là bức chân dung phục dựng ảnh màu của con trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng. Ảnh chụp tháng 7/2023

Mỗi bức ảnh được phục dựng là một câu chuyện và mỗi câu chuyện đều đẫm nước mắt. Trong số hàng ngàn kỷ vật mà anh Thắng và Team Lee đã trao đi, có những khoảnh khắc khiến anh không thể cầm lòng. Anh kể về những lần đứng trước các mẹ Việt Nam Anh hùng , những người đã gần trăm tuổi, mắt mờ, tay run nhưng vẫn lặng lẽ sờ từng nét trên bức ảnh của con.

“Lúc tấm ảnh được mở ra, mẹ như sững lại, lặng lẽ ôm lấy các con vào lòng, nghẹn ngào không nói lên lời. Lúc đó, tôi chỉ biết khóc theo, không biết nói gì hơn”, anh nghẹn ngào.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 12
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thành (quê Nghệ An) bật khóc khi cầm trên tay hình ảnh phục dựng của 2 người con. Trong đó, có bức ảnh con gái, được phục dựng lại từ ký ức của mẹ Thành. Sau 51 năm, Mẹ một lần nữa ôm lấy các con vào lòng, nghẹn ngào không nói lên lời. Ảnh chụp năm 2023

Một trong những câu chuyện khiến anh nhớ mãi là khi phục dựng bức ảnh dựa trên lời miêu tả của người thân, vì gia đình không còn giữ được ảnh gốc. “Họ nói: Người anh của tôi giống tôi, anh có thể lấy hình tôi thời 18, 19 tuổi nhưng làm bầu bĩnh hơn… Từ những chi tiết đơn giản như vậy, tôi cố gắng tái hiện. Khi trao bức ảnh, gia đình xúc động và nói rằng họ sẽ truyền đời, để các thế hệ sau biết gia đình có một người anh hùng vĩ đại như thế”, anh kể.

Những bức ảnh như vậy không chỉ là hình ảnh, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là niềm an ủi muộn màng nhưng vô cùng ý nghĩa đối với các gia đình liệt sĩ.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 13
Khoảnh khắc nghẹn ngào của người mẹ khi được đón con trai trở về trong vòng tay. Ảnh chụp năm 2024

Áp lực lớn nhất của anh Thắng và nhóm là khi phải làm việc với những bức ảnh quá cũ hoặc không còn tư liệu tham khảo. “Có những bức ảnh chỉ là một mảnh giấy mờ nhòe hoặc gia đình chỉ còn nhớ mang máng dung mạo người thân. Lúc đó, mình phải dựa vào mô tả, thậm chí xin phép gia đình để phác họa, sau đó chỉnh sửa dần dần”, anh chia sẻ.

Dù khó khăn, sự động viên và niềm vui của các gia đình khi nhận được bức ảnh là động lực lớn nhất để anh tiếp tục. “Họ vui mừng, xúc động, vậy là đủ,” anh nói.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 14

Công việc của anh Thắng không chỉ mang ý nghĩa cá nhân mà còn có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hành động này như một lời nhắc nhở rằng lịch sử không chỉ là những con số hay sự kiện khô khan, mà là những câu chuyện sống động về sự hy sinh và lòng yêu nước. “Qua công việc này, tôi muốn các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử, về những người đã ngã xuống để chúng ta có hòa bình hôm nay”, anh nhấn mạnh.

Sau 3 năm, dự án của anh đã truyền cảm hứng cho hàng trăm bạn trẻ khác, dẫn đến sự ra đời của nhiều nhóm tương tự trên cả nước. “Một mình tôi không thể làm xuể. Tôi hy vọng công việc này sẽ tiếp tục lan tỏa, để nhiều gia đình hơn nữa được đoàn tụ với hình ảnh người thân”.

Anh cũng hy vọng dự án có sức lan tỏa tới cộng đồng, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động tri ân như phục dựng ảnh, hỗ trợ gia đình chính sách, hay đơn giản là kể lại những câu chuyện lịch sử cho thế hệ sau.

Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình - ảnh 15

Hành trình của Lê Quyết Thắng và Team Lee là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng biết ơn và tình yêu quê hương. Từ một người đàn ông bình thường, anh đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang lại niềm an ủi cho hàng ngàn gia đình và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng thế hệ trẻ. “Tôi tự hào vì mình làm được một việc ý nghĩa. Dù chỉ là một bức ảnh, nhưng với các gia đình liệt sĩ, đó là cả một giá trị tinh thần to lớn”, anh nói.

Khi được hỏi về những khó khăn, anh Thắng thừa nhận có lúc kiệt sức, nhưng mỗi khi nhìn vào đôi mắt của các liệt sĩ trong những bức ảnh, anh lại tìm thấy động lực để tiếp tục. Có lẽ, đó chính là sức mạnh của những giá trị thiêng liêng, của lòng tri ân và tình yêu dành cho đất nước.

Hành trình của anh Thắng chưa dừng lại. Với anh, mỗi bức ảnh được phục dựng không chỉ là một kỷ vật, mà còn là một lời nhắc nhở rằng hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu, nước mắt và sự hy sinh của hàng vạn anh hùng. Và trong trái tim anh, sứ mệnh mang họ trở về với gia đình sẽ mãi là ngọn lửa không bao giờ tắt.

>> Cựu chiến binh U80 tự lái xe máy đi hơn 1.500km vào TP.HCM dịp lễ 30/4: Chuyến đi này tôi làm được nhiều việc, đến thăm đồng đội ở Quảng Trị

Nữ Anh hùng, liệt sĩ được đặt tên cho xã mới của Quảng Ngãi sau sáp nhập: Bố là bác sĩ, mẹ giảng viên, tình nguyện xung phong chiến đấu, hy sinh khi chưa tròn 28 tuổi

Thị xã có nhiều anh hùng liệt sĩ nhất cả nước, là quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng huyền thoại có 9 người con hy sinh trong kháng chiến

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nguoi-tra-ve-khuon-mat-cho-hon-7000-anh-hung-liet-si-giup-nguoi-da-khuat-doan-tu-voi-gia-dinh-141048.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình
    POWERED BY ONECMS & INTECH