Dư nợ tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản trong 5 tháng đầu năm là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Con số này được đánh giá là tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.
Chiều ngày 14/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng: Nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm) trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).
Nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện vai trò cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh, trong đó cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai
Trình bày báo cáo về chính sách tín dụng góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất. Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thị trường bất động sản bao gồm nhiều chủ thể tham gia; dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân.
Với các tổ chức tín dụng, theo quy định của pháp luật hiện hành, tham gia thị trường bất động sản với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ bất động sản.
Và với vai trò là ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tín dụng nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ và đưa ra các quy định, chính sách bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Có 4 vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với việc tham gia thị trường bất động sản của tổ chức tín dụng, đó là vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia trên thị trường: Đến thời điểm 31/05/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Ngoài việc thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, trong những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất.
VN-Index giao dịch cầm chừng, một cổ phiếu VN30 tiếp tục phá đỉnh lịch sử 
TP. HCM: Lượng tồn kho nhà ở dồi dào bị 'mắc kẹt' bất chấp nguồn cung đang khan hiếm