Nữ phát thanh viên 'huyền thoại' đầu tiên đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Là con gái của vị giáo sư nổi tiếng, từng 2 lần được gặp Bác Hồ
Bà cũng là chủ nhân của câu nói quen thuộc: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Nữ phát thanh viên đầu tiên đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập
Bà Dương Thị Ngân, sinh năm 1923 tại Hà Nội, là người con thứ hai của giáo sư, nhà giáo nổi tiếng Dương Quảng Hàm . Bà từng là nữ sinh trường Bưởi – một ngôi trường danh tiếng ở Hà thành. Tên thường gọi của bà là Thanh, bút danh Thanh Ngân, bà được biết đến như người tiên phong, đặt nền móng cho sự nghiệp phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi của cô phát thanh viên Dương Thị Ngân gắn liền với nhiều khoảnh khắc lịch sử của đất nước.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bà Ngân được Sở Dây thép mời về làm việc, phụ trách tiếp nhận và trả lời các cuộc gọi. Mặc dù công việc có vẻ đơn giản, nhưng với cô nữ sinh đôi mươi niềm phấn khởi và tự hào thật khó diễn tả.
Nhờ sở hữu giọng đọc trong trẻo, mạch lạc và đậm chất Hà Nội, bà Ngân nhanh chóng được lãnh đạo Bộ Thông tin Tuyên truyền chọn làm người đọc các bản tin cho Đài Tiếng nói Việt Nam . Chính bà cũng không ngờ rằng mình lại trở thành một trong những phát thanh viên đầu tiên của đài.
Khi nhận nhiệm vụ mới từ chính phủ Cách mạng, bà Thanh Ngân không giấu nổi niềm vui và sự háo hức. Trong tự truyện viết năm 1953, bà chia sẻ: "Tôi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến trên cảm hứng cá nhân, với động cơ tìm kiếm cái mới, cái lạ, khác hẳn với khung cảnh quen thuộc của gia đình".
Đối với cô gái Hà Nội 22 tuổi, mọi thứ đều mới lạ, với nhiều trải nghiệm đặc biệt. Thời khắc ngồi trong phòng thu của Đài phát thanh quốc gia, lần đầu tiên xướng lên câu nói lịch sử: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên của bà Ngân và gia đình.
Theo nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) chính là nơi phát thanh viên Dương Thị Ngân đã đọc bản tin đặc biệt về Tuyên ngôn Độc lập, phát ra cả nước và thế giới.
Nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết: “11h30 ngày 7/9/1945, tại phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam đặt ở số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, chương trình đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia đã được phát đi. Nội dung chủ đạo là hai phát thanh viên Dương Thị Ngân và Nguyễn Văn Nhất thay nhau đĩnh đạc đọc toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập, được truyền theo đường dây cáp về Đài Bạch Mai (số 128C Đại La), phát lên không trung, lan tỏa mọi miền đất nước, vượt qua biên giới 'không cần hộ chiếu' đến với nhân dân thế giới".
Giây phút lịch sử đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân bà Dương Thị Ngân và Đài Tiếng nói Việt Nam, mà còn trở thành một phần trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam. Bản tin đặc biệt ấy đã góp phần quan trọng vào lịch sử cách mạng Việt Nam khi mang lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi khắp đất nước và vươn ra bốn bể năm châu.
Cũng tại địa chỉ này, vào 20h ngày 19/12/1946, phát thanh viên Dương Thị Ngân đã đọc bản tin lịch sử, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi đọc xong bản tin thông báo mệnh lệnh kháng chiến, bà Ngân nhanh chóng rời khỏi khu vực điện đài Bạch Mai, chuyển về vùng ngoại thành cách đó hơn 30 km. Tại đó, bà cùng các đồng nghiệp hàng ngày vẫn phát thanh tin tức về cuộc kháng chiến, củng cố lòng tin của đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đang “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên chiến trận.
Vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ
Bà Dương Thị Ngân là một trong những nhân viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm và nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ cả nước về Hiệp định sơ bộ vào ngày 6/3/1946.
Trong cuốn "Ký ức Người và Nghề" của Đài Tiếng nói Việt Nam có đoạn ghi lại: “Trưa hôm ấy, khi chương trình phát sóng thường lệ đang diễn ra, Bác Hồ đến. Ông Trần Lâm, người phụ trách Đài, viết vài dòng thông báo. Ông Nguyễn Văn Nhất đọc xong bản tin rồi nhanh chóng đứng dậy, nhường chỗ cho Bác”.
Lần đầu tiên gặp và ngồi cạnh Bác trong phòng phát sóng, bà Ngân không giấu nổi sự hồi hộp và xúc động khi giới thiệu: "Bây giờ mời đồng bào lắng nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện."
Lần thứ hai bà Ngân được gặp Bác trong một dịp đặc biệt hơn, vào đêm giao thừa Đinh Hợi (1947) tại Chùa Trầm. Trong hồi ký, bà nhớ lại: “Đêm 30 Tết Đinh Hợi, Tết kháng chiến đầu tiên, chúng tôi đang ở Chùa Trầm, nơi sơ tán. Giao thừa, cả nhóm quây quần bên bếp lửa, bỗng nghe tiếng reo vui: ‘Bác đến!’, ‘Hồ Chủ tịch đến!’. Tất cả chúng tôi ùa ra đón Bác.
Bác đến để ghi âm lời chúc Tết gửi tới đồng bào cả nước, sẽ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào sáng mùng một Tết. Sau khi hoàn thành công việc, Bác dành cho chúng tôi ít thời gian quý báu. Chúng tôi vây quanh Bác, trong lòng rộn ràng sung sướng vì giữa Tết đầu tiên xa nhà, chúng tôi lại được gặp Bác, được nghe giọng nói ấm áp của Người nhắc nhở và động viên.”
Trong suốt thời gian kháng chiến sau đó, bà Dương Thị Ngân không khi nào quên lời Bác dặn, luôn luôn lao động và cống hiến nhiều hơn nữa cho cơ quan và quê hương, đất nước. Giờ đây, những nhân chứng lịch sử như ông Trần Lâm, ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân đã về với tổ tiên, nhưng công tích còn đó, in dấu trên từng góc nhỏ trong căn phòng ngôi biệt thự rêu phong, họ để lại dấu ấn không thể phai mờ tại khu Điện đài Bạch Mai hơn 107 tuổi.