Nữ Thiếu tá trẻ được đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Đang là Giám đốc, tham gia chế tạo nhiều khí tài quân sự công nghệ cao của Việt Nam
Thiếu tá Lê Thị Hằng có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của đề án nghiên cứu, chế tạo thiết bị dẫn đường cho các khí tài quân sự công nghệ cao.
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Quốc phòng đăng công khai danh sách tập thể và cá nhân đã được các cơ quan, đơn vị đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Trong số đó, Thiếu tá Lê Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm C4, Viện Hàng không vũ trụ Viettel , Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của đề án nghiên cứu, chế tạo thiết bị dẫn đường cho các khí tài quân sự công nghệ cao, đặc biệt là dòng tên lửa chống hạm nội địa do Việt Nam phát triển.

Theo Báo QĐND, tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông năm 2008, Lê Thị Hằng gia nhập Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel. Thời điểm đó, chị là “bóng hồng” duy nhất dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mạng di động mới – một hướng đi được xem là "khó nhằn" trong nghiên cứu kỹ thuật.
Năm 2011, khi Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel được thành lập, chị Hằng được tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo radar quân sự – một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sau 18 tháng, sản phẩm do chị và đồng đội thực hiện đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc.
Năm 2016, dù đang là cán bộ chủ chốt của một trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, chị Hằng xin được trở lại làm kỹ sư để tham gia một dự án đặc biệt tại Viện Hàng không vũ trụ Viettel.
Dự án đặc biệt này yêu cầu làm chủ một công nghệ lõi trong sản phẩm công nghệ cao phục vụ quốc phòng, khởi đầu gần như từ con số không. Bằng ý chí và tinh thần nỗ lực không ngừng, chị Hằng cùng nhóm kỹ sư đã vượt qua những giới hạn kỹ thuật, xây dựng được các chỉ tiêu kỹ thuật, thiết kế hệ thống và đạt những bước tiến quan trọng.
Với tinh thần liên tục mở rộng giới hạn của bản thân, Thiếu tá Lê Thị Hằng luôn là người tiên phong thử sức ở những việc mới việc khó: từ anten, radar, đến đầu tự dẫn; từ vị trí lãnh đạo sang một đơn vị mới chấp nhận là nhân viên để thử sức ở một lĩnh vực mới hoàn toàn chưa có kinh nghiệm…
Thiếu tá Hằng được đánh giá là "nhân vật chủ chốt, không thể thay thế" trong nhiều dự án của Viện Hàng không vũ trụ Viettel.
Cũng trong danh sách này, liệt sĩ, Thiếu tướng Hoàng Sâm , nguyên Tư lệnh Liên khu 3 (nguyên Tư lệnh Quân khu 3), được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu 2 (sau này là Thiếu tướng, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 2), được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.