Xã hội

Tỉnh thành vốn không có biển, sau sáp nhập sở hữu bãi cát đen 'đắt giá' nổi tiếng nhất Việt Nam

Linh Chi 02/05/2025 19:50

Sau sắp xếp, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên 5.938,7km2, quy mô dân số hơn 4,2 triệu người và 102 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính mới, tỉnh Tiền Giang sẽ sáp nhập với Đồng Tháp, lấy tên là Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.

Sau sắp xếp, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên 5.938,7km2, quy mô dân số hơn 4,2 triệu người và 102 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là sự thay đổi lớn không chỉ về mặt địa lý, hành chính mà còn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất này.

Tỉnh thành vốn không có biển, sau sáp nhập sở hữu bãi cát đen 'đắt giá' nổi tiếng nhất Việt Nam - ảnh 1
Bãi cát đen Tân Thành (Gò Công). Ảnh: Internet

Trước đây, Đồng Tháp là địa phương không có biển. Sau sáp nhập , Đồng Tháp sẽ sở hữu bãi cát đen Tân Thành (Gò Công) nổi tiếng. Chỉ cách TP.HCM khoảng 60–70km, biển Tân Thành (thuộc xã Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về một không gian yên bình, đậm chất miền Tây. Nơi đây được mệnh danh là bãi biển cát đen dài nhất Việt Nam – một nét độc đáo không thể tìm thấy ở những điểm du lịch biển quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Bãi biển trải dài khoảng 7km với lớp cát đen óng ánh, tạo nên khung cảnh lạ mắt và đầy cuốn hút. Chính sự khác biệt ấy đã mang lại cho Tân Thành một vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ, gần gũi với thiên nhiên và đời sống người dân bản địa.

Biển Tân Thành còn là “thiên đường hải sản” với nhiều loài sinh vật biển phong phú. Du khách không chỉ được thưởng thức các món hải sản tươi ngon, mà còn có thể tự tay bắt nghêu, sò, cua... và chế biến tại chỗ – một trải nghiệm dân dã, thú vị khó quên.

Tỉnh thành vốn không có biển, sau sáp nhập sở hữu bãi cát đen 'đắt giá' nổi tiếng nhất Việt Nam - ảnh 2
Cảng du thuyền TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN.

Sau khi sáp nhập, Đồng Tháp và Tiền Giang còn có nhiều lợi thế nổi bật về kinh tế, xã hội và giao thương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Đồng Tháp cách TP.HCM khoảng 165km về phía Tây Nam, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương này có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối với các tỉnh thành trong khu vực và quốc tế.

Tỉnh này giáp Campuchia ở phía Bắc và Tây Bắc, tiếp giáp Vĩnh Long ở phía Nam và Đông Nam, Tiền Giang và Long An ở phía Đông, còn phía Tây giáp An Giang và TP. Cần Thơ. Đồng Tháp còn sở hữu hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Ba cùng năm cặp cửa khẩu phụ, đóng vai trò là đầu mối quan trọng trong giao thương biên giới.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn được thiên nhiên ưu đãi với hai dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua không ngừng bồi đắp phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy và du lịch sinh thái.

Các sản phẩm nông sản, đặc biệt là gạo và thủy sản đông lạnh (cá tra), đã trở thành những mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Gạo Đồng Tháp đã có mặt tại 36 quốc gia, còn cá tra vươn xa đến hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, góp phần đưa Đồng Tháp trở thành một điểm sáng trong ngành xuất khẩu nông sản.

Đồng Tháp còn nổi bật với danh hiệu "xứ sở sen hồng", có khoảng 500 sản phẩm chế biến từ sen được ưa chuộng cả trong và ngoài nước.

Tỉnh thành vốn không có biển, sau sáp nhập sở hữu bãi cát đen 'đắt giá' nổi tiếng nhất Việt Nam - ảnh 3
VQG Tràm Chim ở huyện Tam Nông. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp

Ngoài thế mạnh về nông sản, Đồng Tháp cũng được biết đến là vùng đất giàu giá trị sinh thái và văn hóa. Nổi bật trong đó là Vườn quốc gia Tràm Chim – nơi cư trú của sếu đầu đỏ quý hiếm, khu sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Xẻo Quít và Gò Tháp – những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử và tâm linh, tạo ra nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái.

Năm 2024, Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,44. Năm 2025, Đồng Tháp đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%. Xứ sở sen hồng còn đặt mục tiêu phát triển kinh tế đạt 136.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD và thu hút 32.500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Đồng Tháp cũng phấn đấu phát triển 650 doanh nghiệp mới và thu ngân sách nhà nước vượt mức 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tiền Giang có lợi thế lớn về địa lý, ven sông Tiền và hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, từ lâu đã được mệnh danh là "vương quốc trái cây" của Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang hiện có hơn 84.000ha cây ăn trái, cung cấp hơn 1,8 triệu tấn trái cây mỗi năm. Các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Năm 2024, Tiền Giang đã xuất khẩu hơn 46.500 tấn rau quả, thu về 112 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với năm trước.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhóm hàng rau quả và các ngành kinh tế chủ lực khác, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang trong năm 2024 ước đạt 6 tỷ USD, đạt 120% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt hơn 70.900 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2023. Tiền Giang cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiêu dùng.

Những kết quả ấn tượng của cả hai tỉnh trong năm 2024 càng củng cố thêm tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Đồng Tháp và Tiền Giang. Hai tỉnh này đang tạo ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, đồng thời nâng cao đời sống người dân và gia tăng giá trị văn hóa vùng miền.

>>Năm sau, một tỉnh miền Trung sẽ có tổ hợp hàng không tầm cỡ quốc tế, diện tích gấp 20 lần quận Hoàn Kiếm

Những chức danh nào sẽ không còn sau sáp nhập xã?

Hà Nội sẽ thành lập mới 4 bệnh viện và sáp nhập 4 bệnh viện

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tinh-thanh-von-khong-co-bien-sau-sap-nhap-so-huu-bai-cat-den-dat-gia-noi-tieng-nhat-viet-nam-141557.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tỉnh thành vốn không có biển, sau sáp nhập sở hữu bãi cát đen 'đắt giá' nổi tiếng nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH