Ocean Group: Quý I/2024 lỗ gần 30 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn
Trong quý I/2024, Ocean Group lỗ gần 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, OGC có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 100 tỷ đồng.
Ocean Group có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn
Theo BCTC hợp nhất quý I/2024 đã công bố,CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group , mã: OGC) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 120,3 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán ở mức 89,5 tỷ đồng, lãi gộp đạt 30,8 tỷ đồng, giảm 18,4% so với năm trước đó.
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 35,3% xuống hơn 6 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt từ 3,7 tỷ đồng lên 25,6 tỷ đồng, chi phí tài chính ở mức 26,5 tỷ đồng. OGC cho biết, doanh thu hoạt động tài chính giảm 3,3 tỷ đồng do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí hoạt động tài chính tăng 21,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do các khoản lãi vay tăng trong năm, tương ứng với các khoản vay ngân hàng tăng để thực hiện các khoản đầu tư tại các đơn vị thành viên.
Lãi trong công ty liên kết, liên doanh gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước lên 9,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 21,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái; chi phí quản lý 24 tỷ đồng, giảm 25%.
Kết quả Ocean Group báo lỗ sau thuế 29,6 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức âm 11,4 tỷ đồng năm 2023.
Giải trình về kết quả này, OGC cho biết do tình hình kinh tế khó khăn chung, sức tiêu thụ thị trường vẫn còn hạn chế so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các khoản lợi thế thương mại tại các đơn vị thành viên phân bổ giảm khoảng 4,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và tiết giảm chi phí hoạt động tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
OGC có hơn 2.500 tỷ đồng nợ khó đòi, trong có hàng loạt cá nhân
Tính tới 30/3/2024, tổng tài sản của OGC giảm nhẹ so với đầu năm xuống 4.682,5 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 27,7%; đầu tư tài chính ngắn hạn giảm tới 57% xuống 21,8 tỷ đồng, trong đó chứng khoán kinh doanh 21,7 tỷ đồng thì dự phòng tới 14,5 tỷ.Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 238 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn ở mức 4.135,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 2.266,8 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả giảm nhẹ xuống ở mức 3.155 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn của Ocean Group ở mức 637,3 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 100 tỷ đồng - tài sản ngắn hạn ở mức 546,9 tỷ đồng. Tổng nợ vay ở mức 1.665,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 1.527,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 3/2024 ở mức 2.577,7 tỷ đồng.
Dữ liệu còn cho thấy, doanh nghiệp có tới 2.583,2 tỷ đồng nợ khó đòi đã đưa ra theo dõi ngoại bảng. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn từ năm 2021 gồm CTCP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội nợ 370,1 tỷ đồng; CTCP TM & Đầu tư Mạnh Hà nợ 40,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Gió Hát nợ 199 tỷ đồng; CTCP Bao Linh nợ 75 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Phát triển Phú Nguyên nợ 19 tỷ đồng.
Phải thu ngắn hạn của khách hàng từ năm 2021 có hơn 81,2 tỷ đồng, trong đó CTCP Robot Tosy nợ 27,8 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và xây dựng Sông Đà 20,6 tỷ đồng, Công ty TNHH TMDV & SX Phi Kha Miền Bắc 5,3 tỷ đồng...
Phải thu ngắn hạn khác có tới 919,8 tỷ đồng, trong đó CTCP Bình Dương Xanh nợ 270,1 tỷ đồng, Công ty TNHH VNT nợ gần 181 tỷ đồng, Công ty TNHH Phát triển TM&Đầu tư Việt Nam 56,7 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội nơn gần 59 tỷ đồng, CTCP TM&Đầu tư Mạnh Hà gần 41 tỷ đồng, Công ty Gió Hát nợ 22,8 tỷ ồng, CTCP Đầu tư Lam Hồng 35,5 tỷ đồng...
Doanh nghiệp còn cho các cá nhân vay và cũng rơi vào khó đòi như: Nguyễn Thị Tuyết nợ 2,5 tỷ đồng, Nguyễn Thị Dung nợ gần 5,4 tỷ đồng, Nguyễn Khoa Điền nợ tới 45,6 tỷ đồng, Nguyễn Trịnh Minh Hà nợ 35,4 tỷ đồng, Đào Thị Diệp Hương nợ 27,5 tỷ đồng, Nguyễn Thị Xuyên nợ 6,7 tỷ đồng, Đào Vũ Nguyên nợ hơn 6 tỷ đồng, Trần Thị Thu Hương nợ hơn 3 tỷ đồng, Hoàng Văn Tuyến nợ 18,5 tỷ đồng, Hà Văn Thắm nợ 9,7 tỷ đồng...
Tính tới 31/3/2024, Ocean Group có khoản phải thu ngắn hạn hơn 724 tỷ đồng, trong đó phải thu CTCP Đầu tư và xây dựng Sông Đà 672,8 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và tư vấn Liên Việt 40 tỷ đồng, phải thu các cá nhân như: Lê Tiến Ngọc hơn 7 tỷ đồng, Hà Văn Thắm 2,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Dung 2,1 tỷ đồng...
Doanh nghiệp còn có các khoản thu dài hạn hơn 6,2 tỷ đồng, trong đó, phải thu Đinh Thị Chang Nhung gần 2,8 tỷ đồng, Nguyễn Khoa Điển gần 3,2 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức mới đây, nhiều cổ đông đã quan tâm đến các khoản nợ khó đòi của Công ty. Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo OGC cho biết, các khoản nợ này hầu hết không có tài sản đảm bảo và rất khó đòi. Tuy nhiên, các khoản trích nợ xấu đã lập dự phòng 100% đưa ra ngoại bảng nên nếu thu hồi được dù chỉ một phần cũng mang lại lợi nhuận và cải thiện dòng tiền cho Công ty.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, đã có một số đối tượng có thể có một số tài sản, dự án mà Công ty có thể tìm cách thu hồi một phần các khoản nợ. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài và có thể phải áp dụng nhiều biện pháp thu hồi khác nhau, kể cả biện pháp pháp lý.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Đại Dương cũng thừa nhận khoản lỗ lũy rất lớn nên chưa thể đưa ra thời gian chính xác để xóa lỗ lũy kế. Hiện Ban lãnh đạo đang tập trung khai thác các tiềm năng của Công ty, thực hiện các phương án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Được biết, Ocean Group là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 100 tỷ đồng.
Ở thời kỳ "hậu Hà Văn Thắm", hoạt động của Ocean Group chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản.
Ocean Bank tiếp tục đưa khoản nợ nghìn tỷ liên quan ông Hà Văn Thắm ra bán