Phát hiện hơn 2.000 biên bản phạt vi phạm giao thông bị làm giả, người dân Trung Quốc phẫn nộ
Hơn 2.000 vụ làm giả biên bản phạt giao thông tại tỉnh Hà Bắc bị phát hiện cho thấy áp lực tài chính lên các địa phương tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vừa công bố kết quả điều tra, cho thấy gần 2.000 vụ làm giả chữ ký trong các biên bản xử phạt giao thông đã được phát hiện trong năm 2024. Đây là động thái nhằm xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, sau khi xuất hiện nhiều khiếu nại từ người dân.
Theo báo cáo, một chính quyền địa phương tại miền Bắc Trung Quốc, quận Thiệp Huyện (tỉnh Hà Bắc), đã bị nêu tên và chỉ trích vì hành vi lạm dụng quyền lực, tùy tiện xử phạt người tham gia giao thông. 
Cơ quan này bị cáo buộc làm giả chữ ký trên 93% số biên bản phạt giao thông được ban hành trong năm 2024. Cuộc điều tra phát hiện, trong tổng số 2.099 biên bản phạt, có tới 1.964 biên bản chứa thông tin sai lệch.
Theo quy định, cảnh sát giao thông phải lấy chữ ký và dấu vân tay của người vi phạm để hợp pháp hóa biên bản. Tuy nhiên, tại Thiệp Huyện, hàng trăm trường hợp đã bị bỏ qua bước này. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn giao thông bị cáo buộc là quá nhỏ, không đáng bị xử phạt, nhưng vẫn bị áp dụng hình phạt tài chính.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một tài xế xe tải tố cáo bị phạt 500 nhân dân tệ (70 USD) vì lý do "gây ô nhiễm đường bộ  trong quá trình vận chuyển" mà không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, buộc chính quyền tỉnh mở cuộc điều tra toàn diện.
Kết quả điều tra dẫn đến việc đình chỉ công tác 4 cảnh sát giao thông và kỷ luật 5 quan chức cấp cao, bao gồm Bí thư và Giám đốc sở giao thông Thiệp Huyện. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ hình thức xử lý cụ thể.
Tình trạng này phản ánh áp lực tài chính nặng nề mà chính quyền địa phương đang phải đối mặt, trong bối cảnh doanh thu từ giao dịch đất đai sụt giảm và ngành bất động sản vẫn chìm trong khủng hoảng. Sự suy yếu của khu vực tư nhân sau đại dịch càng làm giảm nguồn thu thuế, buộc một số chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp "tận thu" thông qua việc phạt tiền tùy tiện.
Tháng 12/2021, Quốc vụ viện nước này từng chỉ đạo thành phố Ba Châu (cũng thuộc tỉnh Hà Bắc ) phải trả lại 67,18 triệu nhân dân tệ (hơn 232 tỷ VNĐ) sau khi áp dụng phí và phạt vô lý đối với 2.547 doanh nghiệp địa phương trong vòng hai tháng.
Áp lực tài chính đang trở thành rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ ba năm kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Ước tính, "núi nợ" ẩn của các chính quyền địa phương dao động từ 30.000 tỷ đến 50.000 tỷ nhân dân tệ, trong khi GDP quốc gia năm 2023 đạt khoảng 126.000 tỷ nhân dân tệ.
Hội nghị công tác tài chính trung ương Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 10 năm ngoái đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế dài hạn để quản lý rủi ro nợ địa phương, đồng thời tái cơ cấu nợ của cả chính quyền trung ương và địa phương. Đây được coi là một bước đi cần thiết để ổn định nền kinh tế và tránh các hệ lụy tiêu cực trong tương lai.
Theo South China Morning Post
Kinh tế Trung Quốc đón loạt tin xấu giữa lúc chiến tranh thương mại nóng bỏng 
Câu trả lời của DeepSeek khi được hỏi Trung Quốc nên đối phó với ông Trump như thế nào