Trung Quốc: Các tỉnh thành tăng phạt để bù đắp thiếu hụt ngân sách vì khủng hoảng BĐS, thu về hơn 50 tỷ USD
Chính quyền các thành phố ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi doanh thu từ tiền phạt trong 1 thập kỷ qua, nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.
Theo dữ liệu mà Chính phủ Trung Quốc công bố, thu nhập từ tiền phạt trong năm 2022 đạt tổng cộng 368,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 51,8 tỷ USD), tăng mạnh so với con số 161,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2013. Dự báo cho năm 2023 cho thấy con số này có thể đạt khoảng 380 tỷ nhân dân tệ, dựa trên xu hướng doanh thu từ tiền phạt kể từ năm 2018.
Tại Bàn Cẩm, một thành phố công nghiệp cũ ở tỉnh Liêu Ninh, lực lượng quản lý đô thị liên tục kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm như đỗ xe sai quy định hay kinh doanh ngoài trời không phép. Năm 2022, Bàn Cẩm thu về 1,3 tỷ nhân dân tệ tiền phạt, trung bình mỗi người dân phải nộp hơn 1.000 nhân dân tệ, tương đương 13% tổng thu từ thuế của thành phố.
"Việc thực thi các quy định đã trở nên nghiêm ngặt hơn trong vài năm gần đây", một tài xế dịch vụ gọi xe chia sẻ. "Chỉ cần không nhường đường cho người đi bộ, bạn sẽ bị phạt 200 nhân dân tệ, gần bằng thu nhập cả ngày của tôi."
Theo điều tra của hãng tin Caijing, từ năm 2018 đến 2021, có tới 29 trên 247 thành phố lớn trên toàn quốc ghi nhận tiền phạt chiếm ít nhất 10% tổng thu từ thuế. Đặc biệt, những thành phố có quy mô kinh tế nhỏ và thuế thấp như Ngô Châu và Hạ Châu ở Quảng Tây, tỷ lệ này lần lượt đạt 29,8% và 23,2%.
Trong bối cảnh khó khăn tài chính, nhiều chính quyền địa phương đã đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn. Chẳng hạn, vào mùa thu năm ngoái, các quan chức ở Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã tiến hành kiểm tra vệ sinh nhà dân, phạt từ 3 đến 20 nhân dân tệ cho các vi phạm như bát đĩa chưa rửa hay giường chưa dọn dẹp. Tại Lạc Dương, một người bán rau có dư lượng thuốc trừ sâu cao đã bị phạt tới 110.000 nhân dân tệ.
Doanh thu từ việc bán quyền sử dụng đất nhà nước cho các nhà phát triển – một nguồn thu quan trọng – đã giảm mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái, giảm hơn 30% so với mức đỉnh năm 2021. Sự giảm sút này, trong khi nguồn thu thuế không tăng lên, đã buộc một số thành phố phải chuyển sang áp dụng các khoản tiền phạt như một biện pháp thay thế.
Một số thành phố của Trung Quốc đã áp dụng nhiều khoản tiền phạt hơn đối với người dân, điều mà chính quyền trung ương lo ngại có thể làm dấy lên sự tức giận của công chúng.Gần đây, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định phân phối doanh thu từ thuế tiêu dùng hàng xa xỉ cho các địa phương nhằm bổ sung nguồn thu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này là không đủ để giải quyết những khó khăn tài chính mà nhiều thành phố đang phải đối mặt.
Theo Nikkei Asia
>> Trung Quốc mạnh tay ‘bơm’ 471 tỷ nhân dân tệ vực dậy nền kinh tế 
Trung Quốc dự tính áp án phạt kỷ lục cho PWC, vì đâu nên nỗi? 
Suy thoái ngành thép Trung Quốc làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới