Chứng khoán

Phó Thủ tướng khởi động kế hoạch xây dựng đường sắt 67 tỷ USD, bước đột phá cho ngành giao thông Việt Nam

Ánh Nguyệt 26/12/2024 - 19:05

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khởi công vào tháng 12/2027, kỳ vọng tạo ra cú hích lớn cho các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt trong lĩnh vực thép, xây dựng, xi măng, đá...

Vào sáng ngày 26/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, bao gồm các bước quan trọng như lựa chọn tư vấn, lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, cũng như đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng. Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 12/2027.

Phó Thủ tướng khởi động kế hoạch xây dựng đường sắt 67 tỷ USD, mở ra bước đột phá cho ngành giao thông Việt Nam
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đình Nam)

Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ, quy định rõ các mốc tiến độ chính, thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cùng các chính sách đặc thù cho dự án.

Lãnh đạo các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến kế hoạch thực hiện dự án như đảm bảo đầu ra ổn định cho ngành cơ khí chế tạo đường sắt, đào tạo nhân lực, huy động vốn, xây dựng kế hoạch sử dụng đất và phát triển quỹ đất đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD), cùng việc chuyển giao và làm chủ công nghệ. Một số ý kiến cho rằng kế hoạch cần làm rõ hơn các nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Bộ GTVT phối hợp tối đa để xác định nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là các yêu cầu chi tiết theo công nghệ lựa chọn. Theo đó, Bộ sẽ triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực, phân bổ cụ thể đến từng trường đại học và phương án hợp tác đào tạo quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị bổ sung nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin riêng cho đường sắt tốc độ cao. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sự quan trọng của việc lựa chọn các tư vấn thiết kế, giám sát và thẩm định, yêu cầu những tổ chức này phải có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn hàng đầu thế giới.

Phó Thủ tướng khởi động kế hoạch xây dựng đường sắt 67 tỷ USD, mở ra bước đột phá cho ngành giao thông Việt Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Kế hoạch thực hiện dự án phải rõ việc, rõ người, rõ bước đi khoa học, bài bản, đồng bộ, toàn diện, không "vừa làm, vừa chờ" (Ảnh: Đình Nam)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng việc thực hiện dự án phải khoa học, toàn diện và đồng bộ với mục tiêu rõ ràng là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ Bắc đến Nam, đồng thời làm chủ ngành công nghiệp đường sắt và các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành và quản lý. Phó Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện kế hoạch phải có tính khả thi, linh hoạt và đặc biệt chú trọng đến từng khâu cụ thể, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường".

Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xem xét sửa đổi Luật Đường sắt và tích hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ, thiết bị, vận hành và an toàn xây dựng. Đồng thời, Bộ cần thiết lập các cơ chế chính sách để lựa chọn các tổ chức tư vấn quốc tế uy tín tham gia từ khâu thiết kế đến giám sát và đánh giá. Các đơn vị tư vấn của Việt Nam cũng cần tham gia, học hỏi và nâng cao năng lực.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xác định các đầu việc quan trọng như sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch và huy động vốn từ các nguồn khác nhau, bao gồm ngân sách, trái phiếu, ODA và đất đai. Các tổ công tác cần được thành lập để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, từ lựa chọn nhà thầu đến đào tạo nhân lực.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy để tham gia vào quá trình xây dựng và tiếp nhận quản lý, khai thác dự án sau khi hoàn thành. Về bảo đảm an toàn thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc học hỏi, tiếp nhận và làm chủ hoàn toàn công nghệ thông tin phục vụ vận hành.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Kế hoạch phải rõ ràng về sản phẩm, tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và nhà thầu, bảo đảm tính liên tục xuyên suốt từ Bắc vào Nam".

Phó Thủ tướng khởi động kế hoạch xây dựng đường sắt 67 tỷ USD, mở ra bước đột phá cho ngành giao thông Việt Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp niêm yết

Dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp niêm yết

Theo nhận định của Chứng khoán Yuanta, ngành thép dự kiến hưởng lợi nhiều nhất từ dự án, đặc biệt là khi Chính phủ ưu tiên sử dụng thép sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ được hưởng lợi nhờ vào lợi thế từ các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và nhà máy Dung Quất 2, qua đó mở rộng năng lực sản xuất.

Với ngành đá, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng các doanh nghiệp như CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Vật liệu Xây dựng Vĩnh Long (VLB) và CTCP Hóa An (DHA) sẽ hưởng lợi nhờ trữ lượng lớn và giấy phép khai thác dài hạn, sẵn sàng cung cấp nguồn đá cho dự án.

Về ngành xi măng, các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) và CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) sẽ có cơ hội lớn nhờ vào năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu trong giai đoạn triển khai dự án.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán kỳ vọng các nhà thầu trong nước có cơ hội giành các hợp đồng thầu như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Fecon (FCN), CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV).

Ngoài các ngành vật liệu xây dựng, nhóm ngân hàng cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ dự án, đặc biệt là các ngân hàng lớn với chi phí vốn thấp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) có thể tham gia cung cấp tài chính cho dự án quy mô lớn này.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), được triển khai theo hình thức đầu tư công với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2035.

Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự án sẽ bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa và sử dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa, phục vụ cả nhu cầu vận tải hành khách và quốc phòng.

>> Quốc hội thông qua siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát, Coteccons và loạt doanh nghiệp đứng trước cơ hội chưa từng có

Trình Thủ tướng loạt cơ chế đặc thù cho nhà thầu Việt tại siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Cú nhảy vọt cho Đèo Cả, Vinaconex, Coteccons…

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD: Tin quan trọng cho các nhà thầu niêm yết

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-thu-tuong-khoi-dong-ke-hoach-xay-dung-duong-sat-67-ty-usd-buoc-dot-pha-cho-nganh-giao-thong-viet-nam-268180.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Phó Thủ tướng khởi động kế hoạch xây dựng đường sắt 67 tỷ USD, bước đột phá cho ngành giao thông Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH