Quốc gia châu Á có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ‘vỡ mộng’, dòng vốn có nguy cơ tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra?
Thứ 6, ngày 7/2, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã lần đầu tiên giảm lãi suất sau gần 5 năm. Lạm phát hạ nhiệt giúp RBI có thêm dư địa để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ Ấn Độ đã quyết định giảm lãi suất repo xuống còn 6,25%, tức giảm 25 điểm cơ bản, theo thông báo của Thống đốc RBI Sanjay Malhotra trong bài phát biểu trực tuyến.
Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của RBI kể từ tháng 5/2020, khi nền kinh tế Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Động thái này được dự đoán từ trước và phản ánh sự thay đổi ưu tiên của RBI, từ việc kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Shilan Shah, Phó Kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể tiếp tục chậm lại trong vài quý tới. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Ông dự đoán tổng mức giảm trong đợt này có thể lên tới 75 điểm cơ bản.
RBI dự báo GDP thực tế của năm tài khóa tới sẽ tăng 6,7%, còn lạm phát ở mức 4,2%. Đối với năm tài khóa hiện tại (kết thúc vào tháng 3), RBI đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 6,4% – mức thấp nhất trong 4 năm, so với mức 6,6% dự báo hồi tháng 12. Tuy nhiên, dự báo lạm phát vẫn giữ nguyên ở mức 4,8%.
Ngay sau quyết định trên, thị trường chứng khoán Ấn Độ giảm điểm, chỉ số Nifty 50 mất tới 0,5%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 4 điểm cơ bản lên 6,7%.
Thống đốc Malhotra cho biết, dù kinh tế được dự báo sẽ phục hồi sau mức thấp của quý II (kết thúc vào tháng 9), nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Trước đó, lãi suất repo đã được giữ ở mức 6,5% trong hai năm, do lạm phát luôn cao hơn mục tiêu 4% của RBI. Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng tại Ấn Độ đã giảm từ mức cao nhất vào tháng 10, xuống 5,48% vào tháng 11 và 5,22% vào tháng 12, nằm trong giới hạn 6% do RBI đặt ra.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á  đã suy yếu rõ rệt từ năm ngoái, với tăng trưởng chỉ đạt 5,4% trong quý kết thúc vào tháng 9. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo và là mức tăng chậm nhất trong gần hai năm.
Ngoài ra, đồng rupee liên tục mất giá so với đồng USD, khiến việc cắt giảm lãi suất có nguy cơ làm gia tăng lạm phát trong nước, gây áp lực lên tiền tệ và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi Ấn Độ.
Trước đó, một số chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Morgan Stanley đã nhận định rằng Ấn Độ có khả năng sẽ vượt qua Nhật Bản  và Đức để đạt vị trí thứ ba vào năm 2027.
Sau tuyên bố của RBI, đồng rupee tăng nhẹ lên 87,47 rupee/USD. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn dòng vốn rút ra quá nhanh và hạn chế đà mất giá của đồng rupee.
Theo CNBC
>> Lộ diện quốc gia châu Á có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới? 
54 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi châu Á: Chuyện gì đang xảy ra? 
19 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn nước ngoài tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra?