Quốc gia châu Á sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều được đánh giá có khả năng vượt qua Mỹ, hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo “Thế giới năm 2050” của PwC, Trung Quốc  được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, đóng góp khoảng 20% GDP toàn cầu.
GDP của nước này dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 42,96 nghìn tỷ USD với dân số khoảng 1,31 tỷ người.
Đứng thứ 2 là Ấn Độ  với GDP dự kiến chạm mức 38,68 nghìn tỷ USD và dân số 1,67 tỷ người. Trong khi đó, PwC dự báo Mỹ sẽ bị đẩy xuống vị thứ 3 với GDP đạt 26,58 nghìn tỷ USD, quy mô dân số là 375 triệu người.
Trước đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nền kinh tế xét theo sức mua tương đương (PPP).
Cụ thể, GDP xét theo PPP của quốc gia châu Á này ghi nhận con số 35 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 còn Mỹ đạt 27,4 nghìn tỷ.
Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ tới. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, PwC dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm tốc trong những thập kỷ tới, trong khi châu Phi sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu vào năm 2030 - 2050.
Bên cạnh đó, 2 quốc gia này cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số đáng kể, với lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến giảm vào năm 2050.
Báo cáo của PwC cũng chỉ ra, tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu có khả năng giảm xuống dưới 10%.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi E7 (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ) được cho là sẽ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi so với các nền kinh tế thuộc nhóm G7.
Các nhà phân tích đã đưa ra dự báo này dựa trên ước tính rằng tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của các nước G7 sẽ đạt mức trung bình là –0,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2050.
Ngoài ra, Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh cũng được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất. Còn Ba Lan được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế EU tăng trưởng nhanh nhất.
Mặc dù các nền kinh tế tiên tiến vẫn duy trì thu nhập trung bình cao hơn, nhưng các thị trường mới nổi có thể sẽ thu hẹp khoảng cách đáng kể vào năm 2050.
Sự thay đổi này mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dài hạn vào các khu vực này, bất chấp những thách thức kinh tế gần đây ở một số quốc gia như Brazil, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia nhận định, để các thị trường mới nổi đạt được mức tăng trưởng này, Chính phủ của họ phải thực hiện cải cách cơ cấu để tăng cường ổn định kinh tế, đa dạng hóa thị trường và củng cố các biện pháp quản lý.
Theo Insider Monkey, Yahoo Finance
>> Một đại diện Đông Nam Á tiếp tục dẫn đầu top thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2024