Cuộc cạnh tranh giữa 2 thế lực lớn nhất trên thị trường bia Việt là Heineken và Sabeco đã ngã ngũ từ nhiều năm về trước. Thế thượng phong của Heineken cũng chính là dấu hỏi về tính hiệu quả của thương vụ ThaiBev nắm quyền chi phối Sabeco 5 năm qua.
Lãi nghìn tỷ trong quý 1/2023 nhờ sở hữu 20.000 tỷ đồng tiền mặt
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã SAB - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 6.214 tỷ đồng - giảm 15% so với cùng kỳ; lãi sau thuế giảm 19% YoY về còn 1.004 tỷ - mức thấp nhất trong 6 quý trở lại đây.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/3/2023 của công ty đạt 16.515 tỷ đồng - chiếm 64,5% vốn chủ sở hữu.
Trong kỳ, chi phí giá vốn giảm đáng kể giúp lợi nhuận gộp của SAB đạt 1.915 tỷ đồng; biên lãi gộp cải thiện lên mức 31%.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính tăng 57% lên 358 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi tăng 54,5% YoY lên mức 336,6 tỷ và lãi chênh lệch tỷ giá tăng gấp đôi lên mức 21,8 tỷ đồng).
Cần nhấn mạnh rằng, với mức lợi nhuận tương đối ổn định qua từng quý/năm, Sabeco trở thành một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi thuộc hàng Top trên thị trường chứng khoán (đến cuối quý 1/2023, công ty đang có tổng cộng 20.360 tỷ đồng - giảm so với mức 23.480 tỷ hồi đầu năm).
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính kỳ này tăng gấp đôi lên mức 21 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính qua từng quý của SAB vẫn là con số đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp.
Quý 1/2023, chi phí bán hàng của Sabeco cũng tăng 14% YoY - đạt hơn 861 tỷ trong đó chi cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại tăng 22% lên mức 479 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày chi hơn 5,3 tỷ cho hoạt động quảng cáo).
Phía Sabeco cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với quý 1 năm ngoái là do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết Nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 về nồng độ cồn có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 vừa kết thúc sáng 27/4, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng - lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch, Sabeco sẽ phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận năm 2022.
Như vậy, với kết quả ghi nhận trong quý 1, công ty này đã hoàn thành được 15% kế hoạch doanh thu và hơn 17% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Sabeco nhận định, xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu công ty năm 2023.
Từ chuyện thay tướng... đến "lời gan ruột" của cựu Chủ tịch
Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết "Sabeco (SAB) chốt tăng thêm 15% cổ tức bằng tiền và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1/1" , tại Đại hội sáng nay, bên cạnh câu chuyện tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền năm 2022, cổ đông SAB cũng đặc biệt chú ý đến việc Sabeco thay tướng.
Cụ thể, công ty đã công bố Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc với ông Neo Gim Siong Bennett từ ngày 1/10/2023 đồng thời bổ nhiệm ông Tan Teck Chuan Lester thay thế (kiêm người đại diện theo pháp luật).
Ông Chuan được giới thiệu có hơn 25 kinh nghiệm trong ngành bia tại các thị trường Thái Lan, Myanmar, Mông Cổ, Singapore. Hiện vị lãnh đạo này đang phụ trách mảng bia cho thị trường Thái Lan của công ty ThaiBev PLC.
Về phần mình, ông Neo Gim Siong Bennett (CEO đương nhiệm của Sabeco) được HĐQT công ty bổ nhiệm vào ghế Tổng Giám đốc thay thế ông Nguyễn Thành Nam đầu tháng 8/2018 (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
Ông Neo Bennett, Tổng Giám đốc SABECO phát biểu tại Đại hội |
Liên quan đến chuyện "thay tướng", tại Đại hội vừa kết thúc, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất (lãnh đạo SAB từ quý 3/2015 về trước) chia sẻ:
“Xin chúc mừng Bia Sài Gòn (tên thường gọi của Sabeco) vì những gì đã đạt được trong năm qua, đặc biệt với cá nhân ông Bennett (người sắp thôi chức vụ CEO Sabeco). Tôi là người có tình yêu với Bia Sài Gòn. Và vì tình yêu, sẽ có hai câu chuyện. Đầu tiên là lãng mạn... nhưng thứ hai thì cần thiết hơn - đó là những lời trung thực.
Tôi muốn nói về những lời trung thực. Hiện tại tôi nghĩ Heineken đã vượt xa Sabeco. Thời chúng tôi làm, Heineken luôn đứng thứ hai. Tại sao vậy? Nếu là cổ đông, tôi sẽ hỏi câu đó! Đây mới là vấn đề cốt lõi của Bia Sài Gòn.
Với tư cách là một Giáo sư về chiến lược marketing, tôi cho là Sabeco đã có những hoạt động chưa chuẩn. Khi nói về marketing có hai khía cạnh: Đầu tiên là kỹ thuật marketing, thứ hai và quan trọng hơn là hệ sinh thái marketing.
Những năm qua tôi theo dõi, khía cạnh kỹ thuật marketing của Sabeco đã làm tốt... Nhưng thật tiếc vì không tốt bằng Heineken.
Trong khi đó, hệ sinh thái marketing thì hoàn toàn không tốt. Đó là lý do vì sao thị phần đang mất. Hồi chúng tôi làm, chúng tôi luôn coi Heineken là đối thủ; chúng tôi không học phương pháp của họ. Chúng tôi coi trọng khía cạnh sinh thái marketing – nói một cách dễ hiểu là việc đi tìm các chương trình marketing phù hợp với từng nhóm khách hàng mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam.
Tôi biết rằng, Heineken làm sao biết người miền Tây uống bia như thế nào, uống lúc nào, uống ra sao. Họ không thể biết người nông dân Bắc bộ uống bia trong hoàn cảnh nào, miền Trung khắc nghiệt uống ra sao. Chúng tôi thì may mắn hơn... vì chúng tôi biết điều đó.
Tôi rất tiếc, suốt những năm qua, chưa có một lần chúng tôi – những nguyên lãnh đạo - được hỏi về kinh nghiệm đã tích lũy suốt nhiều năm qua. Nhưng hy vọng rằng bây giờ và sau này vẫn chưa muộn. Nếu như trong bất kỳ hoàn cảnh nào "các vị" có muốn tham khảo, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng.
Tôi đã nghiên cứu, thị trường bia ở Việt Nam hoàn toàn khác với Thái Lan hay Singapore. Chúng tôi sống ở đây 65 năm, đã đi đến 63 tỉnh thành ở Việt Nam, đã tiếp xúc với nhiều tầng lớp, đã tiếp cận người ở từng địa phương, không thể nói chúng tôi không hiểu về thị trường.
Giờ thì về phần lãng mạn, xuất phát từ tình yêu với Bia Sài Gòn, tôi chúc các vị sẽ sớm tìm được chìa khoá để mở ra chiến lược marketing đúng, để cải thiện trong những năm tới”.
5 năm về tay chủ Thái... "bước nhảy" vẫn chưa xuất hiện
Thực tế, đã tròn 5 năm kể từ thời điểm Sabeco - một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev - ông lớn ngành nước giải khát tại Thái Lan. Trước đó vào tháng 12/2017, ThaiBev bỏ gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần Sabeco thuộc sở hữu của Bộ Công Thương (khoảng 343,7 triệu cổ phiếu).
Diễn biến giá cổ phiếu SAB sau 5 năm đổi chủ |
Thời điểm ThaiBev "tiến công" thị trường bia Việt, cổ phiếu SAB đang thăng hoa ở vùng giá đỉnh gần 300.000 đồng/cổ phiếu. 5 năm trôi qua, có thời điểm SAB rơi về vùng giá 11x.000 đồng và hiện tại chỉ còn giá 174.000 đồng - giảm hơn 40% từ đỉnh.
Dù vẫn là cổ phiếu đắt nhất nhóm VN30 đồng thời là mã đắt đỏ trên sàn chứng khoán Việt song không phải ngẫu nhiên thị giá cổ phiếu SAB lại giảm mạnh đến vậy.
Quan sát biểu đồ trên, dễ thấy kể từ "cú sập" năm 2020 (liên quan đến dịch COVID-19), đến nay SAB chưa một lần trở lại mức 200.000 đồng/cổ phiếu bất chấp kết quả kinh doanh thăng hoa trong năm gần nhất.
Quay lại với "lời gan ruột" của cựu Chủ tịch Phan Đăng Tuất, có thể thấy cuộc cạnh tranh giữa 2 thế lực lớn nhất trên thị trường bia Việt là Heineken và Sabeco đã ngã ngũ từ nhiều năm về trước. Thế thượng phong của Heineken cũng chính là dấu hỏi về tính hiệu quả của thương vụ ThaiBev nắm quyền chi phối Sabeco 5 năm qua.
Sau 32 năm có mặt tại Việt Nam với khoản vốn đầu tư 1 tỷ USD, tập đoàn đến từ Hà Lan này đều đặn ghi lãi cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thậm chí trong 10 năm tới, công ty dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD để tiếp tục đánh chiếm thị phần.
Theo báo cáo của MBS, Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco hiện chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia Việt Nam năm 2021 trong đó riêng Heineken và Sabeco nắm tới 78,3% thị phần - áp đảo 2 hãng còn lại. Mặc dù vậy cần nhấn mạnh rằng, Heineken hiện đã bỏ xa Sabeco và các đối thủ nếu xét về các chỉ tiêu kinh doanh.
Trong 2 năm đầu COVID (2020 – 2021), Heineken đã vượt qua Sabeco trở thành thương hiệu bia nắm thị phần số 1 Việt Nam với 44,4%.
Cùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Nghị định 100 song doanh thu 2020 của Heineken Trading bất ngờ tăng nhẹ lên mức hơn 55.700 tỷ đồng trước khi tăng trưởng mạnh gần 20%/năm trong những năm sau đó.
Ngược lại với Sabeco Trading, năm 2020 công ty báo doanh thu giảm hơn 7.000 tỷ đồng về còn 30.167 tỷ đồng qua đó đẩy khoảng cách doanh thu với Heineken càng xa thêm sau năm đầu COVID (chênh lệch ở mức hơn 1 tỷ USD).
Không những vượt trội so với Sabeco về doanh thu, lợi nhuận ròng của Heineken cũng bỏ xa đối thủ. Năm 2020, Heineken Việt Nam lãi ròng 8.868 tỷ đồng - gần gấp đôi nếu lợi nhuận hợp nhất của Sabeco. Trong khi biên lợi nhuận gộp của Heineken Việt Nam liên tục duy trì trên mức 53% trong nhiều năm thì Sabeco - dù cải thiện mạnh mẽ khi về tay chủ Thái - vẫn chỉ dừng ở mức 30%.
Trong cùng thời điểm năm 2020, lợi nhuận ròng của Heineken dã tăng gấp đôi so với Sabeco |
Một yếu tố khác khiến cho lợi nhuận của Heineken không bị sụt giảm trong năm đại dịch là nhờ giao dịch bán gần 26,4 triệu cổ phần Sabeco thu về 4.850 tỷ đồng. Được biết, Heineken là cổ đông lớn tại Sabeco khi công ty này tiến hành IPO năm 2008.
Nhìn lại, thị trường chính của Sabeco và Heineken đều ở miền Nam với lượng dân cư lớn, thu nhập cao và văn hóa “nhậu” đặc trưng trong đó phân khúc chủ đạo của Sabeco là phân khúc phổ thông và cận cao cấp. Trong khi đó, phân khúc chủ đạo của Heineken đa dạng hơn từ phân khúc cao cấp, cận cao cấp cho tới phổ thông. Đáng nói, ở từng phân khúc, hãng bia ngoại này đều chiếm lĩnh phần lớn thị trường.
Nhìn vào bức tranh kinh doanh trên, có thể thấy câu chuyện được ông Phan Đăng Tuất nhắc đến tại ĐHCĐ Sabeco vừa kết thúc như một hiện thực cần được đánh giá và nhìn nhận nghiêm túc.
Có chăng Sabeco đang kinh doanh bằng "sách lược" còn Heineken đánh chiếm thị phần ngành bia Việt bằng "chiến lược"? Chúng tôi sẽ thông tin tới Quý độc giả trong bài viết kế tiếp!
Lịch chốt quyền cổ tức bằng tiền của 30 doanh nghiệp tuần từ 23-27/12, tỷ lệ cao nhất 40% 
Hồi kết kế hoạch dài 2 năm giúp Sabeco (SAB) vượt mặt Heineken