Siêu cường số một thế giới: Kinh tế vẫn 'trụ vững' bất chấp biến động bầu cử và quyết định lãi suất của Fed
Các năm trước, kinh tế Mỹ thường được dự đoán sẽ suy giảm. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại: kinh tế Mỹ không chỉ trụ vững mà còn thể hiện sức mạnh vượt qua những dự báo tiêu cực này. Và năm 2024 cũng không ngoại lệ.
Dù phải đối mặt với sự bất định xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống,  lãi suất tăng cao và thị trường lao động đang hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn giữ vững đà ổn định trong năm nay.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn hảo. Lạm phát hạ nhiệt với tốc độ chậm chạp, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  phải duy trì chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Các lĩnh vực như nhà ở và sản xuất chịu áp lực từ chi phí vay cao, trong khi người tiêu dùng - những người đang gánh nợ thẻ tín dụng, vay thế chấp và các khoản vay khác - đang chứng kiến tỷ lệ nợ quá hạn ngày một gia tăng.
Nhưng bất chấp bối cảnh này, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có hiệu suất kinh tế tốt nhất trong nhóm G7.
Người tiêu dùng và thị trường lao động
Câu trả lời cho việc tại sao kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng năm 2024 nằm ở người tiêu dùng Mỹ. Mặc dù tốc độ tuyển dụng giảm, tăng trưởng tiền lương vẫn vượt lạm phát và tài sản hộ gia đình đạt mức kỷ lục, hỗ trợ họ có thể tiếp tục mua sắm và tiêu dùng.
Một số chuyên gia ước tính chi tiêu của hộ gia đình tăng 2,8% vào năm 2024 - nhanh hơn năm 2023 và gần gấp đôi dự báo của họ hồi đầu năm.
Mặc dù vậy, thị trường cũng khó có thể bỏ qua một số “vết nứt. Người Mỹ hầu như đã cạn kiệt tiền tiết kiệm trong đại dịch. Tốc độ tuyển dụng chậm lại trong suốt năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, kích hoạt một chỉ báo suy thoái phổ biến. Hơn nữa, số lượng cơ hội việc làm giảm và người thất nghiệp đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm việc mới.
Chưa hết, chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng được thúc đẩy bởi những người có thu nhập cao, những người đang tận hưởng hiệu ứng giàu có nhờ giá nhà đất và thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Còn người tiêu dùng thu nhập thấp thì đang dựa vào thẻ tín dụng và các khoản vay khác để duy trì chi tiêu, dù có dấu hiệu căng thẳng tài chính như tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao.
Các quan chức Fed đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 do lo ngại thị trường lao động có thể tiến gần đến điểm bùng phát nguy hiểm. Tuy nhiên, họ đã lạc quan hơn trong những tháng cuối năm khi tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.
Tiến trình hạ nhiệt lạm phát bị đình trệ
Tiến trình đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed đã đình trệ trong những tháng gần đây, sau sự giảm tốc nhanh vào năm 2023 và tiến triển thêm trong nửa đầu năm 2024.
Một trong những thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, loại trừ thực phẩm và năng lượng (tháng 11) - đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù Fed đã hạ lãi suất 1 điểm phần trăm trong năm nay để giảm áp lực cho nền kinh tế, Chủ tịch Jerome Powell cho biết các Ngân hàng Trung ương cần thấy tiến triển hơn về lạm phát trước khi thực hiện thêm các đợt cắt giảm vào năm 2025.
Lãi suất cao gây khó khăn cho thị trường nhà ở
Thị trường nhà ở tiếp tục gặp khó khăn do chi phí vay cao. Lãi suất thế chấp, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 9, đã tiến gần mức 7% trở lại do dự đoán Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Các nhà thầu tiếp tục cung cấp các ưu đãi để thu hút người mua, như giảm giá thế chấp, hỗ trợ thanh toán thay mặt khách hàng, cũng như thỉnh thoảng giảm giá.
Dù doanh số bán nhà có sự ổn định trong năm nay, chúng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ dự kiến tốc độ bán nhà năm 2024 thậm chí thấp hơn năm ngoái, vốn đã là mức thấp nhất kể từ năm 1995.
Lĩnh vực sản xuất
Ngành sản xuất là một “nạn nhân” khác của lãi suất cao. Đầu tư vào các công trình mới bị cản trở bởi lãi suất cao và nhu cầu nước ngoài yếu, khiến nhiều công ty cắt giảm việc làm để tiết kiệm chi phí.
Các nhà sản xuất hàng hóa lâu bền đã giảm số lượng nhân viên trong tất cả các tháng (trừ một tháng) trong năm nay.
Chưa hết, chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm ngành này chịu áp lực trong năm 2025. Dù ông Trump cam kết thúc đẩy sản xuất nội địa, một số nhà kinh tế và nhóm doanh nghiệp dự đoán kế hoạch áp thuế cao hơn, trục xuất hàng triệu người nhập cư và cắt giảm thuế của ông có thể đẩy lạm phát lên cao, làm suy yếu thị trường lao động và phá vỡ chuỗi cung ứng.
Chi tiêu vốn của các nhà sản xuất Mỹ được dự báo tăng trưởng ở mức thấp trong năm tới giữa bối cảnh bất định này.
Giá kim loại đồng ngày 27/12: giữ giá bán 
Chuyên gia: Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm 2025