Tập đoàn THACO của tỷ phú Trần Bá Dương có thể tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Việt Nam có thể huy động sự tham gia của các doanh nghiệp như VNPT, Viettel trong lĩnh vực chip và mạch điện tử.
Việc Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ như thế nào sau khi đầu tư vào đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  đang trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Theo báo Giao Thông, ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có nhiều phương án khả thi để thực hiện chuyển giao công nghệ.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ là "cú hích" thúc đẩy công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp khác. Theo đó, Việt Nam có thể huy động sự tham gia của các doanh nghiệp như VNPT, Viettel  trong lĩnh vực chip và mạch điện tử, hay nhà sản xuất ô tô như Trường Hải (THACO ) cũng có thể tham gia được.
Những doanh nghiệp này không chỉ có khả năng sản xuất các linh kiện điện tử, phụ kiện, mà còn có thể tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ cho đường sắt, đóng góp vào việc làm chủ công nghệ từng bước và bền vững.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT THACO, tỷ phú Trần Bá Dương , nhận định rằng Việt Nam có thể sản xuất khoảng 35-40% chi tiết, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí hiện nay đi sâu vào đời sống, đến lao động giản đơn, thậm chí không cần học hành nhiều, thực tế này mang tính lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam.
Cơ khí chế tạo là nền tảng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại THACO, nhưng còn được mở rộng để phục vụ nhiều lĩnh vực khác. Chính sự chủ động này giúp THACO tối ưu hóa chi phí sản xuất, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho tập đoàn.
Ảnh minh hoạ: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn: plo.vn |
Dưới góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho rằng Việt Nam chỉ có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao ở một mức độ nhất định. Một số vật tư, thiết bị thuộc công nghệ lõi hoặc công nghệ vật liệu, thường là bí quyết mà các nhà cung cấp không sẵn lòng chuyển giao.
Tỷ lệ và thời gian chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào trình độ công nghệ trong nước cũng như chiến lược phát triển của quốc gia đó. Đối với Việt Nam, khả năng làm chủ công nghệ đến đâu còn phụ thuộc vào chi phí đầu tư, vì các sản phẩm có giá trị công nghệ cao sẽ có giá thành, mức độ chuyển giao cụ thể.