Quốc tế

Thảm cảnh của những 'người khốn khổ' chiếm tới 1/3 số hộ gia đình Mỹ: Không đủ tiền để sống qua ngày, lúc nào cũng nhẵn túi nhưng lại không đủ nghèo để nhận trợ cấp

Vũ Bấc 20/04/2024 19:05

Nước Mỹ gần đây lại có thêm khái niệm về một tầng lớp lao động mới: "không đủ nghèo", chật vật kiếm sống qua ngày.

Chương trình "United For ALICE" của United Way đặt tên cho những người có việc làm, lương vừa đủ ở mức không được nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng luôn trong tình trạng hết tiền là ALICE (viết tắt của “Asset-Limited, Income-Constrained, and Employed”).

Nói theo ngôn ngữ quen thuộc hơn, họ là những hộ lao động cận nghèo không chính thức, không thể chi trả các chi phí, nhu cầu cơ bản trong xã hội Mỹ hiện nay.

Thảm cảnh của những 'người khốn khổ' chiếm tới 1/3 số hộ gia đình Mỹ: Không đủ tiền để sống qua ngày, lúc nào cũng nhẵn túi nhưng lại không đủ nghèo đ
Không đủ nghèo để được hỗ trợ, ALICEs ngày càng khó sống

Nhiều ALICE là những công nhân có mức lương thường không đủ để đóng hóa đơn, chưa nói đến mua sắm nhu yếu phẩm. Những người này lấy lương chỉ để trả hóa đơn hàng tháng. Một số buộc phải giật gấu vá vai: lấy tiền thuê nhà để mua thực phẩm hoặc cắt tiền ăn để chi trả phí y tế đắt đỏ.

“Bẫy nghèo” - lỗi tại hệ thống

Theo dữ liệu từ khảo sát cộng đồng người của Cục điều tra dân số Mỹ, khoảng 29% hộ gia đình ở Hoa Kỳ là ALICE, trong khi 13% ở dưới mức nghèo. Nhiều sáng kiến, chính sách mới được đưa ra để giúp đỡ những nhóm người khó khăn trong xã hội.

Tuy nhiên, Stephanie Hoopes, Giám đốc quốc gia của United For ALICE, đã chỉ ra rằng mức nghèo mà Chính phủ Liên bang quy định đã trở nên lỗi thời và không chính xác về nhiều mặt. Quy chuẩn này không tính đến sự khác biệt về mức sống, mức thu nhập giữa các khu vực và tỷ trọng tiêu dùng người dân dành cho thực phẩm và các nhu cầu cơ bản khác.

Hoopes cũng chỉ ra tình trạng tương tự như “bẫy trợ cấp xã hội”: giúp người nghèo khá khẩm hơn chút đỉnh về tài chính nhưng không thể giúp họ thay đổi tương lai.

Nhìn bề ngoài, tỷ lệ nghèo đói trên toàn nước Mỹ đã giảm, tạo nên ảo tưởng rằng người lao động đang dần sống tốt hơn. Hậu quả là nhiều chính sách hỗ trợ bị cắt giảm, để lại tầng lớp những ALICE sống bấp bênh qua ngày.

Nước Mỹ ít nghèo hơn nhưng ngày càng nhiều ALICE

Theo tờ Business Insider, tỷ lệ ALICE đã tăng mạnh tại Mỹ trong hơn 10 năm qua tại nhiều bang, nhất là những nơi chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19. Dù thu nhập của người Mỹ đi lên nhưng chẳng đáng kể khi lạm phát phi mã cũng như giá nhà đất tăng cao.

"Những người lao động tầng lớp ALICE hàng ngày đối diện với áp lực lựa chọn: Mua thuốc cho con hay mua thực phẩm ăn tối? Có nên tắt bớt điện không hay ngừng đưa con đến nơi trông trẻ để tiết kiệm tiền?" - Giám đốc Hoopers chia sẻ

Để đủ điều kiện tham gia chương trình trợ cấp hộ nghèo (SNAP) tại Mỹ, một hộ gia đình 4 người phải có thu nhập dưới 39.000 USD. Với chương trình trợ cấp SSI cho người khuyết tật, mức giới hạn thu nhập phải dưới 23.652 USD/năm.

"United For ALICE" chỉ trích các tiêu chuẩn chương trình này đã tính toán sai hoàn toàn về tỷ lệ lạm phát cũng như những khó khăn thực tế mà người lao động nghèo tại Mỹ đang phải đối mặt.

Thay vào đó, họ xây dựng chỉ số "ALICE Essentials" để đo lường lạm phát và chỉ số tiêu dùng của các hộ gia đình thu nhập thấp, loại bỏ các mặt hàng mà tầng lớp này chẳng bao giờ sử dụng như: các mặt hàng xa xỉ, dịch vụ giải trí, văn hóa phẩm đắt tiền,.v.v

Kết quả cho thấy chỉ số này tăng cao hơn cả lạm phát lõi chứ chẳng đẹp đẽ như chính quyền Washington vẫn nghĩ.

Đây chính là nguyên nhân khiến các số liệu về nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng đều đều, khoảng cách giàu nghèo dường như thu hẹp, nhưng người dân nước này vẫn bi quan về kinh tế.

Hành động bán vàng ồ ạt, cầm cố vàng để chi trả những chi phí cơ bản khi vàng tăng giá thay vì dự trữ là một dấu hiệu rõ ràng cho tình trạng này.

>> Dân Mỹ cầm cố vàng để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, dân Trung ồ ạt mua vàng

Nước Mỹ cần có tiêu chuẩn chính sách xã hội mới

Giám đốc Hoopes nói: “Tác động kinh tế đối với người dân cũng phân hóa nhiều trên các nhóm dân cư, đặc biệt với các hộ gia đình là người da đen và gốc Tây Ban Nha, những người khuyết tật, các hộ gia đình trẻ và lớn tuổi có nhiều khả năng ở dưới ngưỡng ALICE hơn, cũng như các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân có con có khả năng trở thành ALICE hơn so với gia đình có cha mẹ đã kết hôn”.

Qua đó, ông cũng chỉ trích các hệ thống đánh giá và phản ứng của chính phủ không đủ sát sao trong việc hỗ trợ cụ thể những nhóm người ở mức cận nghèo này.

"Mọi người có rất nhiều định kiến ​​về người đó là ai, và dễ dàng đổ lỗi cho tình trạng của họ là do lười biếng, không cố gắng.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy vấn đề nằm ở mức lương đáng lẽ họ được trả, mức trợ cấp đáng lẽ họ phải được nhận, tương xứng với mức lạm phát”, ông Hoopes kết luận. “Đây là lỗ hổng của hệ thống và chính sách sai lầm, không phải do những người lao động không cố gắng.”

>> Người dân một quốc gia dù đi làm hay không vẫn được nhận trợ cấp lên tới 70 triệu đồng/tháng

Bank of America: Đến tháng 3/2025 Fed mới giảm lãi suất, nền kinh tế Mỹ còn chống chịu được lạm phát cao bao lâu?

IMF: Mặc chiến tranh và cấm vận, kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn nhiều cường quốc khác

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tham-canh-cua-nhung-nguoi-khon-kho-chiem-toi-13-so-ho-gia-dinh-my-khong-du-tien-de-song-qua-ngay-luc-nao-cung-nhan-tui-nhung-lai-khong-du-ngheo-de-nhan-tro-cap-231462.html?gidzl=krJNMxf0gWMxJDPLlLsk2hr8q5ca2QzQfKs01QG9_0Q
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thảm cảnh của những 'người khốn khổ' chiếm tới 1/3 số hộ gia đình Mỹ: Không đủ tiền để sống qua ngày, lúc nào cũng nhẵn túi nhưng lại không đủ nghèo để nhận trợ cấp
    POWERED BY ONECMS & INTECH