Xét một khoảng thời gian dài vừa qua, nơi có độ sụt lún cao nhất tại TP. HCM lên tới 81cm, nơi thấp nhất là 1,99cm, tính trung bình là khoảng 23,27cm.
Sáng ngày 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM  có buổi giám sát với UBND thành phố về thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TP. HCM giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023. Buổi làm việc nhằm chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong ít ngày tới.
Tại buổi giám sát, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, dưới góc độ quan sát của ông và ý kiến của cử tri, việc quy hoạch phát triển không gian ngầm là rất quan trọng, đặc biệt đối với đại đô thị như TP. HCM. Không gian ngầm sẽ vừa là nguồn lực, vừa là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc quy hoạch không gian ngầm của TP. HCM còn đang dang dở. Ông Nghĩa dẫn chứng từ hai mươi năm trước, TP. HCM đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào 6 tuyến xe điện ngầm nhưng đến nay tuyến số 1 còn chưa thực hiện xong.
Cũng theo ông Nghĩa, việc dự án bất động sản  mọc lên ngày càng nhiều, kèm theo đó là sụt lún đang khiến vấn đề chống ngập trở nên nan giải. Đây cũng là một trong những vấn đề thuộc quy hoạch không gian ngầm cho thành phố.
“Báo cáo 5 năm gần đây nhất báo động TP. HCM đang sụt lún và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đó là do khai thác nước ngầm. Vậy quy hoạch chung của TP. HCM đến năm 2060 sẽ xử lý tình trạng này thế nào?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
"Có thời điểm, cứ chiều chiều là nước tràn lên đường. Một bên là TP. HCM rất hiện đại, công nghệ cao, trung tâm tài chính… một bên mưa xuống là lội nước thì đó là nghịch lý", ông Nghĩa khẳng định.
Ông cũng chỉ rõ, các quốc gia khác cũng có các trận lụt khủng khiếp, nhưng hiếm chứ không phải mỗi tháng một lần, một năm mấy lần nước tràn ra đường.
Theo đại biểu, khi lập quy hoạch điều chỉnh phải có giải pháp xử lý vấn đề gốc là chống ngập, thoát nước. Thành phố phải sử dụng công cụ quy hoạch để đạt được giải pháp xử lý bằng khoa học và xử lý được những vấn nạn của đô thị.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM Trương Trung Kiên thừa nhận TP. HCM đang sụt lún. Hiện tại, nơi có độ sụt lún  cao nhất tại TP. HCM là 81cm, nơi thấp nhất là 1,99cm, tính trung bình là khoảng 23,27cm.
Mặt khác, thành phố đang gặp tình trạng lượng nước mưa tăng đột biến, mực nước sông dâng cao hơn bình thường. Các vấn đề trên đặt ra yêu cầu thành phố cần giải quyết vấn đề ngập úng và cải thiện hệ thống thoát nước. Đối với phát triển không gian ngầm, ông Kiên cho biết không gian ngầm đô thị gồm hai thành phần là không gian công cộng và không gian ngầm của các dự án, công trình. Những thành phần này sẽ được tính toán để không chồng chéo.
Trước đó, một báo cáo của các nhà phân tích Planet Anomaly chỉ ra rằng TP. HCM của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong số những thành phố có tốc độ sụt lún cao nhất thế giới.
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Đây cũng là thành phố lớn nhất nước ta về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng bậc nhất.
Cùng với thủ đô Hà Nội, TP. HCM là thành phố có nhiều cao ốc nhất Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều tòa cao ốc hàng chục tầng được mọc lên khắp nơi. Có thể kể tới cụm cao ốc The Manor cao 29 tầng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đưa vào khai thác năm 2007; cụm căn hộ cao cấp Saigon Pearl Tower 1, 2, 3 - 38 tầng, cao 135m - cũng lần lượt hoàn thành năm 2009; tòa tháp tài chính Bitexco với 68 tầng, cao 262,5m… Và gần nhất là tòa nhà Landmark 81 (81 tầng, cao 461,2m, quận Bình Thạnh). Hiện tại, công trình này vẫn là tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được hoàn thành.
Nợ thuế quá hạn, loạt DN bất động sản TP.HCM bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 
‘Đỏ mắt’ tìm nhà giá rẻ, người trẻ tìm tới vùng phụ cận TP.HCM