‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc gia, quy mô dân số khoảng 1,5 triệu người
Là đô thị loại I trực thuộc TP. HCM, thành phố được định vị là trung tâm phía Đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa và giáo dục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 21/01/2025, phê duyệt đồ án quy hoạch  chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040.
Phạm vi quy hoạch bao trùm toàn bộ địa giới hành chính của TP. Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9ha.
Mục tiêu của đồ án nhằm xây dựng TP. Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò động lực kinh tế của TP. HCM và vùng đô thị xung quanh. Thành phố sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, bao gồm đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác quốc tế, đồng thời định hình bước đầu là trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới vươn tầm quốc tế.
Hạ tầng giao thông được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối thuận tiện với các khu vực trong TP. HCM và các đô thị trọng điểm vùng Đông Nam Bộ. Hệ thống giao thông đa phương thức bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Quy hoạch cũng hướng đến phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn đô thị loại I và loại đặc biệt, đồng thời thúc đẩy hạ tầng số và đô thị thông minh.
Là đô thị loại I trực thuộc TP. HCM, TP. Thủ Đức được định vị là trung tâm phía Đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa và giáo dục.
>> ‘Thủ phủ’ công nghiệp miền Bắc đón thêm khu công nghiệp mới, quy mô gần 200ha 
Thành phố cũng đóng vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Các lĩnh vực trọng điểm bao gồm giáo dục đại học, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ.
TP. Thủ Đức sẽ là đầu mối kết nối giữa khu trung tâm TP. HCM hiện hữu với sân bay quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng đô thị TP. HCM.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng toàn đô thị dự kiến đạt khoảng 16.200-16.500ha (trung bình 89-90m2/người), trong đó đất dân dụng chiếm khoảng 12.000-12.200ha (tương ứng 66-67m2/người). Dân số thành phố dự kiến khoảng 1,5-1,825 triệu người.
Bên cạnh đó, không gian TP. Thủ Đức được phân thành 9 khu vực phát triển với các chức năng và vai trò đặc trưng.
Phân vùng số 1 gồm các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú, có diện tích khoảng 1.808ha, đất xây dựng đô thị từ 1.500-1.550ha, dân số dự kiến đến năm 2040 là 347.000 người.
Khu vực này là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa của TP. HCM và khu vực quốc tế, với không gian sinh thái gắn với sông Sài Gòn, đồng thời kết nối trực tiếp với trung tâm TP. HCM.
Phân vùng số 2 bao gồm phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình, có diện tích khoảng 2.043ha, đất xây dựng đô thị từ 1.760-1.810ha, dân số dự kiến khoảng 270.000 người.
Đây là khu trung tâm mới gắn với trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, có vai trò cửa ngõ TP. Thủ Đức và bến thủy du lịch tại Trường Thọ.
Phân vùng số 3 bao gồm các phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước với diện tích khoảng 2.739ha, đất xây dựng đô thị từ 2.700-2.730ha, dân số khoảng 460.000 người.
Đây là khu đô thị  hiện hữu, gắn với đào tạo, sản xuất và dịch vụ trung chuyển.
Phân vùng số 4 bao gồm phường Long Bình và một phần phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, có diện tích 2.945ha, đất xây dựng đô thị khoảng 2.600-2.650ha, dân số ước tính 300.000 người.
Khu vực này đóng vai trò là trung tâm văn hóa, giải trí, công nghiệp cảng và logistics, gắn với sông Đồng Nai, là cửa ngõ phía Đông của thành phố, kết nối với Biên Hòa và các khu công nghiệp tại Đồng Nai.
Phân vùng số 5 bao gồm phường Long Phước và một phần phường Trường Thạnh, Long Trường với diện tích 3.634ha, đất xây dựng đô thị từ 2.620-2.670ha, dân số khoảng 230.000 người.
Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, gắn với nghiên cứu, đào tạo, đồng thời là cửa ngõ kết nối TP. HCM với sân bay quốc tế Long Thành.
Phân vùng số 6 bao gồm một phần các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu với diện tích 1.724ha, đất xây dựng đô thị khoảng 1.310-1.360ha, dân số dự kiến 130.000 người.
Đây là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp và logistics của TP. HCM và các đô thị lân cận.
Phân vùng số 7 bao gồm phường Bình Trưng Tây và một phần các phường An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, với diện tích 1.748ha, đất xây dựng đô thị từ 1.480-1.530ha, dân số ước tính 300.000 người.
Khu vực này là trung tâm hiện hữu của TP. Thủ Đức, kết nối các khu vực động lực gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
Phân vùng số 8 bao gồm các phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu với diện tích 1.382ha, đất xây dựng đô thị từ 1.300-1.350ha, dân số khoảng 253.000 người.
Khu vực này là trung tâm thể dục thể thao cấp quốc gia, văn hóa, vui chơi giải trí và khu đô thị mới.
Phân vùng số 9 bao gồm các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu với diện tích 3.135ha, đất xây dựng đô thị từ 3.000-3.050ha, dân số dự kiến 350.000 người.
Đây là trung tâm sản xuất công nghệ cao, gắn với các khu đô thị phụ cận.
Cũng theo quy hoạch, TP. Thủ Đức sẽ phát triển trung tâm tài chính quốc gia với vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quy hoạch này đảm bảo tổ chức không gian đô thị, cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, phục vụ nền kinh tế quốc gia.
Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, bổ sung xây dựng các khu trung tâm dịch vụ thương mại, hội chợ, triển lãm, gắn với 11 trọng điểm phát triển và các khu vực đầu mối giao thông công cộng tại các khu đô thị trọng yếu.
Về tổ chức không gian sản xuất công nghiệp và công nghệ cao, Khu Công nghệ cao hiện hữu (quy mô khoảng 913ha) sẽ được nâng cấp và phát triển theo hướng kết nối sản xuất, nghiên cứu - phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo nhằm nâng tầm trình độ công nghệ của khu vực và quốc gia.
Khu Công viên Khoa học và Công nghệ TP. HCM tại phường Long Phước (quy mô 194,8ha) sẽ được xây dựng để tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Các khu công nghệ cao sẽ kết hợp dịch vụ hỗ trợ, không gian lưu trú phù hợp với mô hình sản xuất mới, tạo môi trường thu hút nhân lực trình độ cao.
Đối với 4 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu tại các phường Linh Trung, Bình Chiểu và Thạnh Mỹ Lợi (tổng quy mô 280-290ha), quy hoạch khuyến khích chuyển đổi không gian theo mô hình sản xuất công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đồng thời giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường đô thị.
Thành phố cũng định hướng phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu sản xuất công nghiệp và chế xuất với quy mô 400-450ha, bao gồm: trung tâm logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung và Khu Công nghệ cao.
Ngoài ra, nghiên cứu mở rộng chức năng logistics tại Khu Công viên Khoa học và Công nghệ TP. HCM, các khu đầu mối giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Hệ thống bến xe ô tô hàng và bến hàng hóa với quy mô 120-130ha sẽ được quy hoạch nhằm hỗ trợ dịch vụ logistics, sản xuất và kinh doanh.
Giao thông tại các trung tâm logistics, cảng cạn và bến hàng hóa sẽ được tổ chức riêng biệt, đảm bảo kết nối hiệu quả với mạng lưới vận tải đường thủy quốc gia và quốc tế.
TP. Thủ Đức được thành lập vào năm 2020 theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Hiện nay, Thủ Đức là thành phố đầu tiên thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích hơn 210km2 và dân số trên 1 triệu người.