'Thành phố trong thành phố' đầu tiên của Việt Nam trở thành ‘nút giao chiến lược’ kết nối sân bay lớn nhất cả nước
Sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam đang nổi lên như một nút giao chiến lược, kết nối trực tiếp với sân bay quốc tế Long Thành - cảng hàng không lớn nhất cả nước trong tương lai. Không chỉ khơi thông hạ tầng giao thông, nơi đây còn mở lối cho dòng chảy kinh tế liên vùng, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển đô thị – công nghiệp.
Sẵn sàng "đón sóng" sân bay lớn nhất cả nước
TP. Thủ Đức hiện đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hiện thực hóa những kỳ vọng mà giới chuyên gia và nhà đầu tư đặt ra. Với thời gian di chuyển chỉ khoảng 45 phút đến sân bay quốc tế Long Thành, nơi đây nhanh chóng nổi lên như điểm trung chuyển chiến lược, sở hữu lợi thế hiếm có trong khu vực. Trong khi đó, sân bay quốc tế Long Thành được kỳ vọng sẽ sánh ngang các trung tâm hàng không lớn như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Suvarnabhumi (Thái Lan).
Là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư gần 4,7 tỷ USD cho giai đoạn 1. Dự kiến đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào dịp 2/9/2026, sân bay này sẽ mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho các ngành công nghiệp, logistics và du lịch của Việt Nam.

Cùng với xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, đặc biệt từ các tập đoàn lớn đến từ Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…, TP. HCM và toàn vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế.
Tác động lan tỏa từ sân bay Long Thành cũng kéo theo "làn sóng" di cư chất lượng cao về TP. Thủ Đức - nơi hội tụ hệ sinh thái đô thị hiện đại, không gian sống xanh và tiện ích giáo dục, y tế, thương mại đồng bộ. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đặt văn phòng làm việc, an cư lý tưởng cho giới chuyên gia, quản lý cấp cao và các gia đình quốc tế.

Để đồng bộ hạ tầng kết nối, loạt dự án giao thông trọng yếu như cao tốc TP. HCM – Long Thành - Dầu Giây, hiện nay, tuyến đường Vành đai 2 và Vành đai 3 đang được đẩy nhanh tiến độ. Riêng với Vành đai 2 - tuyến đường giữ vai trò trục xương sống Đông -Tây của TP. Thủ Đức dự kiến sẽ được khởi công từ tháng 9/2025 đối với hai đoạn còn lại.
Sau khi hoàn thiện, tuyến đường này không chỉ giải tỏa áp lực giao thông mà còn mở đường cho sự hình thành các khu đô thị và khu dân cư hiện đại, làm thay đổi diện mạo đô thị khu vực phía Đông TP. HCM.
Cùng lúc, nút giao An Phú và nút giao Mỹ Thủy - hai điểm nghẽn giao thông lớn của TP Thủ Đức hiện cũng đang được tăng tốc thi công. Những công trình này hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao thương liên vùng, tạo động lực phát triển bền vững cho khu vực cửa ngõ phía Đông TP. HCM.
"Đầu tàu" BĐS phía Nam trong năm 2025
Bước sang năm 2025, TP. Thủ Đức tiếp tục khẳng định vị thế là tâm điểm của thị trường bất động sản TP. HCM nhờ thanh khoản duy trì ở mức cao và sức hấp dẫn không ngừng tăng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chỉ sau bốn năm kể từ ngày thành lập, TP. Thủ Đức đã có những bước tiến rõ rệt về phát triển kinh tế – xã hội, nhanh chóng trở thành khu vực động lực của toàn đô thị TP. HCM.

Thành phố này hiện đóng góp tới 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và chiếm khoảng 7% GDP cả nước – một con số cho thấy tầm vóc của đô thị mới này trong bản đồ kinh tế quốc gia.
Không chỉ là "hạt nhân" kinh tế, TP. Thủ Đức đang từng bước tạo dựng bản sắc đô thị riêng thông qua việc phát triển mạnh các ngành văn hóa, thương mại và giải trí. Nhiều sự kiện quy mô lớn được tổ chức liên tục đã góp phần hình thành nên một không gian sống hiện đại, trẻ trung và đầy năng lượng khi thu hút đông đảo cư dân trẻ, chuyên gia quốc tế và giới trí thức về đây sinh sống, làm việc.
Trong những năm tới, bất động sản tại khu vực TP. Thủ Đức được dự báo không chỉ tiếp tục đóng vai trò "đầu kéo" cho toàn thị trường TP. HCM, mà còn lan tỏa sức ảnh hưởng ra các tỉnh thành lân cận phía Nam.
Từ một đô thị sáng tạo, Thủ Đức đang dần định vị là "thủ phủ mới" về nhà ở cao cấp, tài chính - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến chiến lược của nhà đầu tư và cộng đồng cư dân chất lượng cao.
TP. Thủ Đức được thành lập vào năm 2020 theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (TP. HCM). Thủ Đức cũng là thành phố đầu tiên thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.