Thông tin mới nhất về dự án sân bay thứ hai của Thủ đô Hà Nội
Sân bay thứ hai của Hà Nội bên cạnh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ nằm ở phía Nam thành phố.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội  đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quy hoạch đặt mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là trung tâm phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và khu vực.
Một trong những nội dung của quy hoạch là việc chuẩn bị cho dự án sân bay thứ hai tại phía Nam thành phố, dự kiến nằm tại khu vực huyện Ứng Hòa , Phú Xuyên. Quy hoạch yêu cầu dành quỹ đất và hạ tầng phù hợp để nghiên cứu phát triển sân bay này.
Cùng với đó, quy hoạch nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối liên vùng và đa dạng hóa loại hình vận tải. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường vành đai, xây mới hàng loạt cầu lớn như Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thượng Cát và cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có như cầu Long Biên.
Ngoài ra, hệ thống đường sắt đô thị sẽ được mở rộng với 14 tuyến, kết hợp phát triển giao thông công cộng hiện đại như Monorail dọc các dòng sông chính để phục vụ cả mục tiêu giao thông và du lịch.
Theo quy hoạch, đến năm 2065, Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu với chất lượng sống cao, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở mức ngang tầm với các thủ đô lớn trên thế giới. Trước mắt, đến năm 2030, Hà Nội hướng tới là đô thị hiện đại, trung tâm liên kết vùng, điểm đến kinh tế và văn hóa quốc tế.
Đến năm 2045, thành phố sẽ là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và là biểu tượng của sự phát triển xanh với sông Hồng làm điểm nhấn.
Quy hoạch xác định Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia mà còn là nơi hội tụ các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống độc đáo, kết nối với khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô sẽ trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, an toàn, mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho người dân, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Với quy hoạch mới, Hà Nội không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục và công nghệ, mà còn hướng tới xây dựng hình ảnh Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng.
>> Nhà ga gần 11.000 tỷ có quy mô phục vụ khách nội địa lớn nhất Việt Nam hẹn ngày về đích