Đây là một trong những nội dung của đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua.
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức vào 29/3 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua đồ án quy hoạch  Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, trình bày Tờ trình Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Đồ án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính, trung tâm y tế hàng đầu cả nước.
>> Lộ diện ba thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội tương lai 
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng.
Để đạt được mục tiêu trên, đồ án đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông.
Cụ thể, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai , các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc. Đồng thời, tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm. Xóa bỏ tình trạng các dự án đô thị chậm triển khai, các khu nhà ở đô thị mới xây dựng lên nhiều năm không có người ở, thiếu hạ tầng xã hội.
Thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng các cầu qua sông Hồng, sông Đuống như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, các cầu trên Vành đai 4,5…
Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài. Đầu tư, khai thác không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm phục vụ các tuyến đường sắt đi ngầm từ Vành đai 3,5, kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ.
Theo kế hoạch, sau khi HĐND thành phố thông qua, đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ được trình cấp có thẩm quyền để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
>> Cửa ngõ phía Đông TP. HCM ‘rục rịch’ đón bệnh viện nghìn tỷ 
Dự án xây trường tiểu học tại đất trung tâm TP. Hà Nội: Khoản tiền bồi thường tăng gấp 4 lần 
Quận trung tâm TP. Hà Nội cùng loạt quận khác sẽ cắt giảm số phường trong thời gian tới