Trong 2 năm, thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ cắt giảm 39 phường
Trong giai đoạn 2023-2025, TP. HCM sẽ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận để thành lập 38 phường mới, giảm 39 phường so với hiện tại.
UBND TP. HCM vừa trình Chính phủ đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, để xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.
Hiện tại, TP. HCM có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Qua quá trình rà soát, thành phố xác định cần sắp xếp 120 đơn vị hành chính, trong đó có 119 phường và 1 thị trấn.
Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù, 42 phường và 1 thị trấn sẽ không thực hiện sáp nhập và 3 phường liền kề chỉ điều chỉnh địa giới.
Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, TP. HCM sẽ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận để thành lập 38 phường mới, giảm 39 phường so với hiện tại. Thời gian sắp xếp này đã được rút ngắn so với đề xuất ban đầu, vốn dự kiến kéo dài đến năm 2030.
Sau khi hoàn thành sắp xếp, TP. HCM sẽ còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) và 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 5 thị trấn và 58 xã).
UBND TP. HCM cũng đã xây dựng phương án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, và những người hoạt động không chuyên trách tại các phường trong diện sắp xếp.
Hiện nay, 80 phường có tổng cộng 1.605 nhân sự, gồm 462 cán bộ và 1.143 công chức. Sau khi sáp nhập, 41 phường mới sẽ cần 868 nhân sự, bao gồm 228 cán bộ và 640 công chức, dẫn đến việc dư thừa 737 người (234 cán bộ và 503 công chức).
TP. HCM đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm số nhân sự dư thừa này trước năm 2029 với lộ trình cụ thể: năm 2025 giảm 448 người, năm 2026 giảm 91 người, năm 2027 giảm 89 người, năm 2028 giảm 67 người và đến năm 2029 còn lại 42 người.
Về hệ thống y tế, trong số 80 trạm y tế hiện có 522 viên chức (bao gồm 58 lãnh đạo trạm và 464 viên chức khác). Sau khi sáp nhập, 41 trạm y tế mới sẽ cần 488 viên chức. Số viên chức y tế dôi dư (34 người) sẽ được điều chuyển đến các trạm y tế khác hoặc trung tâm y tế cấp huyện, nhằm đảm bảo định mức biên chế theo quy định của Bộ Y tế. Dự kiến, quá trình điều chuyển này sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Với việc sáp nhập, TP. HCM sẽ có 78 trụ sở làm việc của các phường cũ bị dư thừa. Trong số này, 75 trụ sở sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác, còn lại 3 trụ sở sẽ được bán đấu giá. Ngoài ra, các tài sản công như ô tô, máy tính, bàn ghế và máy điều hòa sẽ được điều chuyển đến các đơn vị còn thiếu hoặc bán thanh lý theo quy định.
Dựa trên kinh nghiệm từ giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính năm 2019-2021, TP. HCM sẽ chỉ đạo các quận và phường chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi giấy tờ một cách thuận lợi nhất. UBND TP. HCM cũng yêu cầu các cơ quan chức năng không thu phí hoặc lệ phí khi người dân thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ hành chính do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm.