Công trình hoành tráng rộng 59.000m2 - gấp ba lần diện tích của Nhà hát Opera Sydney - đã đi từ ý tưởng đến hoàn thành chỉ trong 12 tháng.
Tòa nhà giống như một "ngôi sao kim loại bảy cánh" nổi trên mặt hồ thủy tinh khiến người ta liên tưởng đến một nền văn minh xa xôi trong tương lai hay một con tàu vũ trụ đang hạ cánh xuống hành tinh xa lạ. Công trình tưởng chừng như một tạo vật bước ra từ những bộ phim khoa học viễn tưởng.
Tuy nhiên, đây chính là Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô được xây dựng hoàn toàn mới ở thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc .
Phần mái sống động mô phỏng những ngọn núi dốc phía xa; ở góc khác, hình dạng lại bỗng trở thành một đám mây, lơ lửng trên những tấm kính liền mạch.
Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô nhìn từ xa |
Paulo Flores - một trong những giám đốc dự án tại Zaha Hadid Architects, đơn vị thiết kế bảo tàng, cho biết: "Nhìn ở nhiều góc độ, tòa nhà sẽ luôn khác biệt; sẽ có những điều lạ thường và bất ngờ".
Bảo tàng này được đưa vào hoạt động từ năm 2022, để tổ chức Hội nghị khoa học viễn tưởng thế giới thường niên lần thứ 81 hay còn gọi là Worldcon.
Cô Flores cho biết, một tòa nhà có quy mô và độ phức tạp như thế này thường sẽ mất từ 4 đến 5 năm để xây dựng. Điều bất ngờ, tòa nhà rộng 59.000m2 - gấp ba lần diện tích của Nhà hát Opera Sydney - đã đi từ ý tưởng đến hoàn thành chỉ trong 12 tháng.
Ngôi sao kim loại bảy cánh |
Zaha Hadid là đơn vị tiên phong trong thiết kế kỹ thuật số và các công cụ này đã giúp tạo những tòa nhà sống động mang tính chất tương lai. Công ty kiến trúc này có trụ sở tại London và không còn xa lạ với giới công nghệ.
Công nghệ là chìa khóa để tạo ra một thiết kế đầy tham vọng, hơn nữa còn giúp triển khai một cách nhanh chóng. Chỉ hai tuần sau khi công ty giành chiến thắng trong cuộc thi, quá trình xây dựng dự án đã bắt đầu.
Bằng cách sử dụng nhiều phần mềm thiết kế, bao gồm cả phân tích mô hình kỹ thuật số, nhóm đã có thể đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo rằng tất cả mọi người, từ kiến trúc sư, nhà sản xuất vật liệu đến công nhân xây dựng, đều kết thành một khối.
Satoshi Ohashi, một giám đốc dự án, nói rằng việc xây dựng và thiết kế diễn ra song song "không thể thực hiện được nếu không có những công cụ mới này".
Ohashi cho biết, phân tích mô hình kỹ thuật số cho phép nhóm tối ưu hóa cấu trúc của tòa nhà phù hợp với khí hậu của Thành Đô. Bằng cách phân tích các thông số thời tiết và môi trường, phần mềm đưa ra các quyết định về kích thước và góc nhô ra của mái nhà để bảo vệ nội thất khỏi ánh nắng trực tiếp.
Bên trong bảo tàng |
Công nghệ xanh cũng được tích hợp để giảm thiểu tác động khi vận hành tòa nhà, với các tấm pin mặt trời được gắn vào mái nhà mở rộng để cung cấp năng lượng cho công trình, cửa sổ trần và cửa sổ kính suốt từ trần đến sàn để giảm nhu cầu ánh sáng nhân tạo vào ban ngày.
"Ngành công nghiệp khoa học viễn tưởng" trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc bao gồm xuất bản và phát hành phim, sẽ có Thành Đô là trung tâm. |
Việc tìm nguồn nguyên liệu tại địa phương giúp tiết kiệm thời gian và giúp nhóm nghĩ ra những cách đơn giản để biến ý tưởng thành hiện thực. Ohashi đưa ra ví dụ, họ đã tạo ra một hệ thống mô-đun bảng nhôm "nằm dưới lớp da" của mái nhà, tạo ra những đường cong "mượt mà và liền mạch" đồng thời giúp quá trình sản xuất trong nhà máy trở nên nhanh chóng hơn.
Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng là một phần của dự án phát triển "Thành phố Tương lai" ở quận Pidu, bên ngoài thành phố. Được biết đến là Thành phố Khoa học và Công nghệ Tương lai Thành Đô, địa điểm rộng 4,6km2 sẽ có nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm và văn phòng mới.