Thế giới

Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Thiên Kim 19/01/2025 10:18

Động thái này được cho là nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng trong nước, hạn chế mất việc làm và đối phó với nguy cơ thuế quan cao hơn từ chính quyền của ông Trump.

Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát việc di chuyển nhân sự và xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang Ấn Độ và Đông Nam Á, theo MSN.

Động thái này được cho là nhằm hạn chế các công ty rời khỏi Trung Quốc trước nguy cơ thuế quan cao hơn từ chính quyền Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Theo một nguồn tin, giới chức Bắc Kinh đã yêu cầu các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương hạn chế chuyển giao công nghệ và xuất khẩu thiết bị đến các khu vực này.

Mục tiêu là củng cố sản xuất trong nước, bảo vệ việc làm và ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại mới.

Foxconn Technology Group – đối tác lắp ráp chính của Apple – gặp khó khăn trong việc cử nhân sự từ Trung Quốc sang Ấn Độ và vận chuyển thêm thiết bị chuyên dụng đến nhà máy tại đây. Tuy nhiên, họ cho biết tình trạng này chưa ảnh hưởng ngay đến hoạt động sản xuất.

Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: MSN

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này "đối xử bình đẳng với tất cả quốc gia và luôn mở cửa với doanh nghiệp toàn cầu". Bắc Kinh khẳng định không thực hiện bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến lợi ích quốc gia khác.

Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Apple nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gia tăng dưới thời Trump.

Nhà máy Foxconn tại Chennai, miền Nam Ấn Độ, hiện chiếm khoảng một nửa lượng iPhone xuất khẩu từ nước này, dù phần lớn sản phẩm của Apple vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.

Với hàng trăm nghìn lao động tại các nhà máy ở Trung Quốc, Foxconn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử và thị trường việc làm trong nước.

Không chỉ Ấn Độ, Trung Quốc cũng được cho là đã ngăn cản các công ty xuất khẩu thiết bị sang Đông Nam Á. Việt Nam, Malaysia và Thái Lan được cho là nằm trong số những nước bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng đến lĩnh vực xe điện, tấm pin mặt trời

Xu hướng doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump và có thể gia tăng trong thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế Woods Chen tại Yuanta Securities.

"Tình hình trong ngắn hạn sẽ không cải thiện, mà chỉ có thể xấu đi", ông nhận định.

Các hạn chế về thiết bị công nghệ cũng tác động đến ngành sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời tại Ấn Độ. Trong đó, chi nhánh của BYD – hãng xe điện lớn của Trung Quốc – và Waaree Energies, nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất Ấn Độ, đều bị ảnh hưởng.

Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng? - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: MSN

Trước đó, một số trang báo từng đưa tin Bắc Kinh muốn hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến liên quan đến sản xuất xe điện, và vào tháng 7 năm ngoái, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các hãng xe trong nước không đầu tư vào Ấn Độ.

Sau 4 năm căng thẳng biên giới, cả 2 quốc gia đang dần hướng tới các bước bình thường hóa mối quan hệ. Dù vậy, Ấn Độ vẫn duy trì các hạn chế nghiêm ngặt đối với đầu tư Trung Quốc và cấp thị thực cho công dân nước này, bao gồm kỹ sư và kỹ thuật viên trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Theo MSN

>> Trung Quốc quay lưng với thực phẩm phương Tây, một mặt hàng của Việt Nam hưởng lợi lớn

Điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc nói hai nước có thể là 'đối tác, bạn bè'

Hạ giá hơn một nửa, BYD tung ‘chiêu độc’ quyết hạ gục Hyundai trên sân nhà

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trung-quoc-quyet-chan-apple-byd-chuyen-huong-sang-an-do-va-dong-nam-a-viet-nam-co-bi-anh-huong-135033.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH