Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát (HPG) cam kết cung cấp đủ khối lượng thép làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
"Vua thép” Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của tập đoàn.
Theo Báo VietNamNet, ông Trần Đình Long  - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG ) chia sẻ, Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  của Chính phủ, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu.
“Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Đây là các loại thép mà Việt Nam đều sản xuất được”, ông Long cho hay.
“Vua thép” Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của tập đoàn.
Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát cam kết cung cấp đủ khối lượng thép làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn ảnh: Internet |
Thực tế, Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm tại đây dự kiến tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép...
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam dự kiến có khu đô thị hơn 44.000 tỷ đồng 
“Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án này, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, ông Trần Đình Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long còn cam kết tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đồng thời, đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án.
Còn về giá thép các loại phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đảm bảo "giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu".
Trước đó, phát biểu tại tọa đàm về đường sắt tốc độ cao ngày 29/10, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Trung ương, cũng như báo cáo khả thi Chính phủ trình Quốc hội lần này, chúng tôi đều đưa ra cơ chế chính sách làm sao doanh nghiệp trong nước tham gia được”.
"Ví dụ, chúng tôi ràng buộc các điều kiện, tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Chúng tôi đưa ra đó là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Hoặc chúng tôi đưa ra chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc đặt hàng các doanh nghiệp trong nước, các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được", ông Huy chia sẻ.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường này sẽ có tổng chiều dài khoảng 1.541km, khởi đầu tại ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường sắt sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố, với tổng cộng 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Mỗi nhà ga được quy hoạch với không gian phát triển từ 250-300ha, ngoại trừ ga Thủ Thiêm, nơi dự kiến có quy mô khoảng 17ha.
Về quy mô đầu tư, Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, tốc độ thiết kế lên đến 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Tuyến đường sắt này sẽ chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, đồng thời đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, và có khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được đề xuất theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Mỗi nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra một không gian phát triển mới 
Thúc đẩy hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng