Việt Nam chính thức có thêm một di tích quốc gia đặc biệt: Là tuyến vận tải quân sự bí mật, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện trên Biển Đông
Di tích này thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Điểm bến Vàm Lũng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, đã được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt. Vào ngày 24/4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho điểm bến Vàm Lũng, đánh dấu đây là di tích đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu này.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến vận tải quân sự bí mật, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện trên Biển Đông, nhằm vận chuyển vũ khí, lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam, hỗ trợ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tại bến Vàm Lũng, Trung đoàn 962 cùng người dân địa phương đã đón chuyến tàu đầu tiên, tàu Phương Đông 1, chở 30 tấn vũ khí, quân trang... sau hành trình hàng nghìn hải lý, cập bến an toàn vào ngày 19/10/1962.
Trong giai đoạn 1962-1972, các bến bãi tại Cà Mau đã tiếp nhận tổng cộng 76 chuyến tàu, trong đó bến Vàm Lũng chiếm 68 chuyến, vận chuyển hơn 4,3 nghìn tấn vũ khí và vật dụng quân sự, phục vụ chiến trường Nam Bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, nhấn mạnh di tích đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng) là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh, có ý nghĩa giá trị tinh thần rất lớn trong giáo dục truyền thống của dân tộc.
Ngoài Cà Mau, danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển còn được trao cho TP Hải Phòng (nơi xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi mở bến).