Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lời khai Trương Mỹ Lan về 133.000 tỷ và nguyên nhân phát hành trái phiếu
Trương Mỹ Lan cho rằng, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã “biến” SCB từ ngân hàng cần hỗ trợ thành một ngân hàng hoạt động bình thường.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ở giai đoạn này, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành các lô trái phiếu của 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra được điều tra làm rõ.
Lời khai của Trương Mỹ Lan cho biết nguyên nhân xuất phát điểm của ý tưởng phát hành trái phiếu là từ áp lực nợ nần. Bị cáo Lan cho biết, Nguyễn Phương Hồng báo cáo, SCB phải chịu áp lực trả lãi cho dân, trả nợ nhiều khoản tài chính tồn tại từ khoản nợ 133.000 tỷ đồng khi hợp nhất 3 ngân hàng để lại từ năm 2012.
Mặt khác, năm 2017, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra SCB; kết quả, đưa SCB từ một ngân hàng cần được hỗ trợ để tái cơ cấu thành một ngân hàng hoạt động bình thường, bị hạn chế về hạn mức tín dụng và nhiều hoạt động khác. Đây là nguyên nhân dẫn tới hoạt động của SCB đi vào bế tắc.
Do đó, bà Trương Mỹ Lan khai, Nguyễn Phương Hồng nhiều lần đề xuất Lan cho sử dụng công ty An Đông và các công ty khác thuộc Tập đoàn VTP phát hành trái phiếu để có nguồn xử lý các khoản nợ, giúp SCB vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ “đổ” cho người đã chết Nguyễn Phương Hồng, bà trương Mỹ Lan còn xác nhận việc này cũng có sự báo cáo và đề xuất của Võ Tấn Hoàng Văn, nên Lan đồng ý chủ trương.
Theo lời khai, bà Lan tranh thủ bữa cơm trưa ở trụ sở Tập đoàn VTP để mời Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó TGĐ phụ trách tài chính Tập đoàn VTP dùng cơm để bàn chuyện phát hành trái phiếu.
Trương Mỹ Lan và 5 'người được mời đến bữa ăn trưa chục nghìn tỷ |
Chi tiết hơn, Võ Tấn Hoàng Văn khai, ‘bữa trưa đầu tiên’ vào khoảng tháng 8/2018, gồm Võ Tấn Hoàng Văn, Hồ Bửu Phương, Đinh Văn Thành, Nguyễn Phương Hồng và Trương Mỹ Lan. Bữa ăn tại tầng 6 tòa nhà trụ sở Vạn Thịnh Phát số 93 Trần Hưng Đạo.
Tại bữa ăn này, Lan đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu, song Văn có ý kiến là SCB chưa tham gia phát hành trái phiếu bao giờ, nên cần lấy ý kiến chuyên môn của công ty chứng khoán TVSI.
Sau bữa cơm này, Văn, Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Hồng đã họp với Nguyễn Tiến Thành tại phòng họp tầng 6 để thảo luận phương án phát hành.
Sau khi công tác chuẩn bị gần xong, buổi họp tiếp theo có Hồ Bửu Phương, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Tiến Thành, thêm các đại điện khối ngân hàng bán lẻ SCB, đại diện công ty An Đông và chuyên viên chứng khoán TVSI, họp tại tầng 1 tòa nhà Vạn Thịnh Phát để bàn về triển khai phát hành trái phiếu.
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm và xin dùng toàn bộ tiền, tài sản của Lan đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn… để ưu tiên thanh toán nợ/lãi cho các trái chủ.
Kết quả điều tra xác định, có 35.824 người bị hại là trái chủ sở hữu 25.000 mã trái phiếu của 4 công ty này (F1). Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra thông báo tìm bị hại và các quyết định ủy thác điều tra đến 58 tỉnh, thành phố trên cả nước để lấy lời khai.
Có 25.140 hồ trái chủ chuyển về, chiếm hơn 70% tổng số bị hại. Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, vẫn còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa hợp tác đến trình báo.