Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng kinh tế tỉnh Hòa Bình
Trong 9 tháng năm 2024, tình hình xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,7% so với cùng kỳ, đạt 73,92% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu tăng 15,09% so với cùng kỳ, đạt 74,93% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, xuất khẩu hàng hóa  tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi mạnh.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình  trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.478,337 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 73,92% kế hoạch năm. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, trong đó nhóm hàng điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 672 triệu USD, chiếm 45,48%, tăng 22,15% so với cùng kỳ; nhóm hàng dệt may ước đạt 484,3 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,2 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng của tỉnh Hòa Bình ước đạt trên 1.031 triệu USD, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 74,93% kế hoạch năm.
Một trong những điểm tích cực là kim ngạch nhập khẩu của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cho thấy dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp.
Bước sang quý III/2024, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh Hòa Bình tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ các nguồn thủy điện hoạt động hết công suất do tình hình thủy văn đã được cải thiện so với đầu năm.
Các ngành khai khoáng, chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tăng 8% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành khai khoáng ước tăng 25,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 15%. Một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm điện tử ước tăng 2,25%; bia, đồ uống các loại tăng 6,47%; thấu kính ước tăng 4,01%…
Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí ước tăng 2,7%. Sản lượng điện sản xuất ước tính 7.142,8 triệu KWh, đạt 81,10% so với kế hoạch năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ; điện thương phẩm ước tính 1.081,8 triệu KWh, đạt 78,39% so với kế hoạch năm, tăng 11,17% so với cùng kỳ. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 8,5%...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 5 nhóm hàng: Nhóm hàng linh kiện điện tử (17 doanh nghiệp), nhóm hàng dệt may (21 doanh nghiệp), nhóm hàng kim loại (2 doanh nghiệp), nhóm hàng nông sản (9 doanh nghiệp) và nhóm hàng hóa khác (17 doanh nghiệp).
Ngoài các sản phẩm truyền thống như linh kiện điện tử, dệt may, các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đã mở rộng xuất khẩu thành công các mặt hàng nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh sang các thị trường khó tính như: mía và bưởi Diễn, bưởi đỏ sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU; cháo sen Bát Bảo Minh Trung sang Nhật Bản, Cộng hòa Séc; nhãn Sơn Thủy sang EU; măng sang Đài Loan (Trung Quốc); cam Cao Phong sang Vương quốc Anh… qua đây mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Để có được kết quả như trên khẳng định quyết tâm rất lớn của tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu đã tích cực cải tiến mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm, tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu, chủ động biến thách thức thành thời cơ trong hoạt động xuất khẩu.