Chỉ là 'nghệ thuật thương thuyết': Phố Wall phớt lờ cuộc chiến thương mại mà ông Trump vừa khởi xướng?
Các nhà đầu tư tin rằng thuế quan của ông là một công cụ đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu chính trị khác, thay vì để huy động ngân sách và gây sức ép khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động về Mỹ, như ông vẫn tuyên bố.
Các nhà đầu tư Phố Wall đang ngầm tin rằng các mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ là "nghệ thuật thương thuyết" tạm thời, thay vì các quyết sách cứng nhắc.
Thị trường chứng kiến một diễn biến điển hình: thuế quan được đưa ra như một công cụ áp lực đàm phán , với khả năng cao sẽ được điều chỉnh hoặc tạm ngừng nếu đạt được thỏa thuận. Các nhà đầu tư tin rằng ông Trump sử dụng thuế quan như một đòn bẩy chiến lược để đạt được nhượng bộ, chứ không phải là biện pháp cuối cùng.
![Chỉ là 'nghệ thuật thương thuyết': Phố Wall phớt lờ cuộc chiến thương mại mà ông Trump vừa khởi xướng? - ảnh 1](https://fr.5me.workers.dev/nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_04-_screenshot_2025-02-04_113833_mngn.png)
Trong phiên giao dịch thứ Hai ngày 3/2, Chỉ số S&P 500 chỉ giảm nhẹ 0,8% sau khi Trump quyết định đình chỉ mức thuế 25% đối với hàng hóa Mexico. Động thái này cho thấy một chiến lược thương mại được tính toán kỹ lưỡng, nhằm gây áp lực nhưng không phá vỡ hoàn toàn quan hệ kinh tế.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau xác nhận những cuộc đàm phán tích cực, đồng thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý đình chỉ thuế quan đối với hàng hóa Canada.
Trung Quốc, mặc dù vẫn đang chịu áp lực, vẫn duy trì quan điểm đàm phán về mức thuế bổ sung 10% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Tớ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng có ba bài học rút ra từ diễn biến kịch tính hiện nay của thị trường giữa “bão thuế quan”: Các nhà đầu tư coi thuế quan là biện pháp tạm thời, không tin hoàn toàn vào luận điểm của ông Trump về tác động thuế quan, và lưu ý việc các cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech) cũng không miễn nhiễm trước những biến động thương mại.
Nguy cơ đình lạm tiềm ẩn
Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những biến động đáng chú ý sau tuyên bố về chính sách thuế quan mới. Mặc dù chỉ số S&P giảm gần 2% vào thời điểm thấp nhất, các nhà đầu tư dường như vẫn giữ niềm tin rằng các mức thuế quan sẽ không kéo dài lâu. Thậm chí trước khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cam kết triển khai 10.000 binh lính đến biên giới Mỹ, thị trường đã thể hiện sự kỳ vọng về tính chất tạm thời của chính sách này.
Tác động ngay lập tức đã được chứng minh qua việc cổ phiếu của các công ty như General Motors giảm 6%, đặc biệt là với ngành công nghiệp ô tô  có chuỗi cung ứng phức tạp xuyên biên giới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng đây chỉ là bước đi trong "nghệ thuật thỏa thuận" của chính quyền hiện tại.
![Chỉ là 'nghệ thuật thương thuyết': Phố Wall phớt lờ cuộc chiến thương mại mà ông Trump vừa khởi xướng? - ảnh 2](https://fr.5me.workers.dev/nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_04-_screenshot_2025-02-04_114054_pkcc.png)
Lịch sử các chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ trước cho thấy xu hướng liên tục điều chỉnh và thương lượng. Ví dụ điển hình là việc gỡ bỏ nhanh chóng mức thuế áp dụng với Colombia sau khi đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại về khả năng thuế quan trở thành một công cụ chiến lược dài hạn. Những tuyên bố về việc sử dụng thuế quan để tài trợ ngân sách và buộc các doanh nghiệp di dời về Mỹ đang làm dấy lên những nghi ngờ về tính bền vững của chính sách này.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc  cho thấy những chuyển động đáng chú ý: trái phiếu dài hạn giảm, phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về một giai đoạn tăng trưởng chậm lại, trong khi lợi suất ngắn hạn lại leo thang, báo hiệu quan điểm diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trước thuế quan.
Bối cảnh sau những đợt lạm phát dữ dội dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo nên một không gian nhạy cảm cho bất kỳ tín hiệu tăng giá nào. Các nhà phân tích lo ngại rằng ngay cả một đợt tăng giá đơn lẻ cũng có thể châm ngòi lo ngại về lạm phát trong tương lai, buộc Fed phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh lãi suất.
Các chuyên gia kinh tế trong nhóm của ứng cử viên tổng thống Trump cho rằng một kế hoạch thuế quan được tính toán kỹ lưỡng có thể mang lại nguồn thu cho Mỹ mà không gây tổn hại đến nền kinh tế. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường vào thứ Hai (3/2) đã cho thấy sự hoài nghi của các nhà đầu tư đối với quan điểm này.
Hệ quả tiềm ẩn là rõ ràng: lãi suất cao hơn dự kiến, không đi kèm tăng trưởng, có nguy cơ gây tổn thương trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Đây là một viễn cảnh mà không một nhà đầu tư nào mong muốn.
Big Tech miễn nhiễm?
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động, các ông lớn công nghệ đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Nhóm Magnificent Seven  - những cái tên từng được coi là "bất khả chiến bại" - giờ đây bộc lộ những điểm yếu không ngờ trước làn sóng chính sách thuế quan và những biến động địa chính trị.
Rõ ràng không phải tất cả các công ty công nghệ đều chịu tác động như nhau. Alphabet, Amazon, Meta Platforms và Microsoft đã thể hiện sự ổn định tương đối, với mức giảm chỉ tương đương S&P. Ngược lại, Tesla, Nvidia và Apple chịu đòn mạnh hơn nhiều, với mức giảm lần lượt 8%, 6% và 4% ở thời điểm thấp điểm.
Tesla hiện đang bị mắc kẹt trong chuỗi cung ứng ô tô Bắc Mỹ, một hệ sinh thái phức tạp và nhạy cảm với các chính sách thương mại chồng chéo của các quốc gia trong khu vực. Apple và Nvidia lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mối quan hệ với Trung Quốc - một thị trường sản xuất và tiêu thụ then chốt.
Một phân tích sâu hơn cho thấy vấn đề không chỉ dừng lại ở thuế quan. Mức định giá cao ngất ngưởng của Apple (31 lần), Nvidia (30 lần) và Tesla (131 lần) so với thu nhập dự kiến tạo ra một áp lực vô hình. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự suy giảm lợi nhuận đều có thể gây ra những đợt điều chỉnh mạnh.
Điều này đang tạo nên nghịch lý vòng lặp giữa thị trường và các nhà hoạch định chính sách: Nhiều nhà đầu tư tin rằng ông Trump coi thị trường chứng khoán như một thước đo trực tiếp cho sự ủng hộ dành cho ông, vì vậy một cú sụt giảm mạnh có thể khiến ông phải cân nhắc lại chiến lược. Tuy nhiên, chừng nào các nhà đầu tư vẫn chưa xem thuế quan là một yếu tố cốt lõi trong bốn năm tới, thì thị trường sẽ không tạo đủ áp lực buộc ông Trump phải thay đổi hướng đi.
Theo Wall Street Journal (WSJ)
>>54 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi châu Á: Chuyện gì đang xảy ra? 
Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản dải Gaza, kêu gọi người Palestine di dời vĩnh viễn 
Lộ diện 6 ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì 'bão' thuế quan của ông Trump