Chính thức khởi công nhà máy sản xuất 600.000 lít huyết tương/năm tại thành phố đông dân nhất Việt Nam
Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2/2026.
Hiện nay, ngành công nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc generic - bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự. Tuy nhiên, sản xuất thuốc công nghệ cao và các loại thuốc đặc trị cho các bệnh mới nổi vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo báo cáo từ các cơ quan chuyên môn, nhu cầu sử dụng huyết tương và các sản phẩm phân đoạn huyết tương trong điều trị tại Việt Nam khá lớn. Hàng năm, nước ta phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy phân đoạn huyết tương cũng như chưa làm chủ được công nghệ liên quan, nguồn huyết tương sau khi tách từ máu toàn phần hiện chỉ được sử dụng ở dạng thô cho một số bệnh.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại Khu công nghệ cao TP. HCM đã diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy  sản xuất sinh phẩm huyết tương, do Công ty TNHH Bình Việt Đức thực hiện. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2/2026 với công suất phân đoạn lên tới 600.000 lít huyết tương/năm, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh rằng dự án không chỉ là một bước ngoặt quan trọng mà còn đánh dấu cột mốc trong sự phát triển của ngành dược Việt Nam.
Ông Ngô Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Việt Đức, chia sẻ rằng nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm thiết yếu để điều trị các bệnh như rối loạn đông máu, thiếu hụt miễn dịch... Dự án cũng được định hướng để đảm bảo nguồn dự trữ y tế chiến lược quốc gia, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và thiên tai.
Không chỉ vậy, việc xây dựng nhà máy còn góp phần giảm sự phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu, hướng tới mục tiêu tự chủ y tế toàn diện. Đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất và cung ứng dược phẩm trong nước, đảm bảo an ninh y tế và nâng cao năng lực tự chủ quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
TP. HCM là địa phương có tổng số dân đông nhất cả nước hiện nay với hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước. Trong đó, có những quận, huyện có tỷ lệ dân cư đông và gấp 2 lần những tỉnh dân số thấp. Đây cũng là nơi có đầy đủ 54 dân tộc sinh sống và làm việc.
>> Huyện sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam lên kế hoạch xây 3 dự án nhà ở xã hội 
Tập đoàn EVN đề xuất được tiếp tục đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận 
Chưa đầy 6 tháng nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện khí LNG đầu tiên