Chính thức từ 1/7, nghỉ hưu sớm bị trừ 2% lương mỗi năm, chỉ có 2 trường hợp này được giữ nguyên
Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, vẫn có trường hợp được nghỉ hưu sớm mà không bị giảm lương.
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động quy định, tuổi nghỉ hưu  trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng dần theo lộ trình. Cụ thể, đến năm 2028 nam nghỉ hưu ở tuổi 62, năm 2035 nữ nghỉ ở tuổi 60. Kể từ năm 2021, mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.
Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội  (BHXH) năm 2024 quy định rõ, người nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động (quy định tại Điều 65) sẽ bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi. Nếu nghỉ trước tuổi dưới 6 tháng thì không bị giảm, nghỉ từ 6 đến dưới 12 tháng sẽ bị giảm 1%.
Dù vậy, một số người lao động vẫn có thể nghỉ hưu sớm từ 5 đến 10 năm so với lộ trình trên.

Trường hợp nào nghỉ hưu sớm được giữ nguyên lương?
Người lao động  đáp ứng điều kiện nghỉ hưu sớm theo Điều 64 Luật BHXH năm 2024 sẽ không bị trừ lương hưu, dù nghỉ trước tuổi. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng tại các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang nếu thuộc diện sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính có thể được nghỉ hưu sớm tối đa 10 năm so với độ tuổi quy định.
Cũng theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ, những người được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nghỉ hưu sớm vì lý do sắp xếp tổ chức sẽ được nhận thêm các khoản hỗ trợ như: Trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp theo số năm nghỉ sớm và trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc…
Như vậy, không phải tất cả người nghỉ hưu sớm đều bị giảm lương hưu. Người lao động cần nắm rõ quy định tại Luật BHXH năm 2024 và Nghị định 178/2024/NĐ-CP để bảo đảm tối đa quyền lợi khi nghỉ hưu trước tuổi.