Chứng khoán

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/6: POW, PVS, DCM

Nhật Hà 26/06/2024 - 23:03

Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu POW, PVS, DCM.

Chứng khoán MB (MBS): Khuyến nghị khả quan POW

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW), giá mục tiêu 16.800 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Trong năm 2024, nhóm phân tích kỳ vọng Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 sẽ là động lực chính cho mức tăng trưởng sản lượng 3,5% svck của POW, bù đắp cho sự sụt giảm của Nhơn Trạch 1&2, nhờ nguồn cung khí ổn định hơn cùng với Vũng Áng 1 hoạt động hết công suất sau khi hoàn thành sửa chữa. Sản lượng thủy điện sẽ phục hồi từ quý II/2024 sau giai đoạn tích nước quý I, hỗ trợ tổng sản lượng của POW tăng 13% svck từ nền thấp năm 2023. Theo đó, dự kiến doanh thu sẽ tăng 12% svck và lợi nhuận sau thuế tăng 10% svck từ mức nền thấp.

Sang năm 2025, Nhơn Trạch 3&4 – nhà máy điện LNG mới của POW sẽ đóng góp cho tăng trưởng sản lượng 63% svck, trong khi Nhơn Trạch 1&2 dự kiến phục hồi từ mức nền thấp do nhu cầu điện phục hồi. Tuy nhiên, dự kiến hai nhà máy mới sẽ ghi nhận lỗ ròng trong hai năm đầu hoạt động, và MBS kỳ vọng các khoản lãi bất thường, bao gồm việc thoái vốn của EVN Việt Lào và khoản bồi thường tại Vũng Áng 1 sẽ là động lực tăng trưởng, hỗ trợ lợi nhuận ròng đạt 1.690 tỷ đồng (+42,6% svck).

Nhóm phân tích đánh giá POW sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn trong xu hướng phát điện LNG nhờ danh mục dự án gối đầu giai đoạn năm 2025-2035, do đó, MBS cho rằng POW là cơ hội đầu tư tiềm năng cho quan điểm đầu tư dài hạn.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/6: POW, PVS, DCM
MBS phân tích chỉ tiêu tài chính POW

Chứng khoán VPBankS: Khuyến nghị giữ PVS

Tại cuộc gặp nhà tư ngày 14/6, lãnh đạo công ty Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) chia sẻ kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm là khả quan với doanh thu ước đạt 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 573 tỷ đồng, tăng 11% và 50% svck.

Kế hoạch nguồn vốn đầu tư giai đoạn năm 2024-2030 lên đến hơn 70.600 tỷ đồng. Để gia tăng năng lực hoạt động trong những năm tới khi các dự án dầu khí lớn được thực hiện công ty xây dựng kế hoạch nguồn vốn đầu tư từ năm 2024-2030 lên đến 70.640 tỷ đồng. Trong đó giá trị đầu tư nâng cao năng lực hoạt động nhà thầu (Contrator) là hơn 9.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là khoảng 4.158 tỷ đồng (42%). Giá trị đầu tư với vai trò là Investor là 60.800 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu sẽ cần khoảng 13.483 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, dự án Lô B vẫn chưa đạt FID từ chính phủ. Mặc dù vậy, lãnh đạo công ty chia sẻ không nhất thiết phải chờ FID, với những gói thầu EPCI 1,2,3 được trao trước đó, công ty vẫn có thể triển khai thực hiện và tiếp tục chờ FID trong thời gian tới.

Cho năm 2024, VPBankS dự báo công ty có thể đạt 22.890 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế là 1.474 tỷ đồng, lần lượt bằng 118% và 115% svck. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 2.239 đồng/cp.

Nhóm phân tích khuyến nghị giữ cổ phiếu PVS, giá mục tiêu 48.500 đồng/cp, VPBankS đánh giá cơ hội đầu tư mới có thể được thực hiện khi giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng 39.000-40.000 đồng/cp.

Chứng khoán DSC: Khuyến nghị mua DCM

DSC khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), giá mục tiêu 43.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Giá U-rê đã tăng 22% kể từ đầu tháng do nhu cầu tăng khi chi phí khí tự nhiên tăng theo giá dầu, cộng hưởng với việc gia hạn lệnh ngừng/ hạn chế xuất khẩu từ phía Trung Quốc và Nga. Theo đó, DSC nâng kỳ vọng giá Urê bình quân nửa cuối năm 2024 cao hơn 5-8% so với hiện tại nhờ: (1) giá khí đốt sẽ còn neo cao theo giá dầu khí và căng thẳng địa chính trị, (2) Trung Quốc khó có thể xuất khẩu lại trong năm nay do điều kiện thời tiết cực đoan, (3) nguồn cung Urê giảm do trở ngại trong mở rộng sản xuất có thể kéo dài tới năm 2027.

LNST dự kiến bật tăng lên mức cao mới khi dự thảo thuế VAT sửa đổi dự kiến thông qua sẽ đưa nhóm phân bón vào diện chịu thuế 5%, kỳ vọng giúp DCM tăng khoảng 30% lợi nhuận nhờ được khấu trừ chi phí đầu vào. Ngoài ra, chúng tôi kì vọng lợi nhuận của DCM sẽ tiếp tục cải thiện nhờ: (1) hiện tượng El Nino suy yếu kỳ vọng sẽ giảm huy động điện khí và (2) việc Việt Nam tìm được thêm mỏ dầu khí mới sẽ giải quyết vấn đề thiếu khí tự nhiên của PVN và DCM có thể giảm tỷ trọng khí từ Petronas trong năm 2024.

DCM dự kiến gia tăng sản lượng tiêu thụ NPK nhờ thị trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, qua đó dự kiến đầu tư 1.500 tỷ để mở rộng cơ sở hạ tầng xung quanh các khu vực này trong năm 2024. Nước đi này là chiến lược bền vững để DCM đa dạng hóa danh mục của mình và phòng tránh rủi ro biến động giá theo chu kỳ của sản phẩm U-rê.

>> Vinhomes (VHM) đã sẵn sàng cho giai đoạn mới 'hậu Ocean Park'

Nhà Thủ Đức (TDH) bất ngờ đổi kế hoạch kinh doanh năm 2024, dự có lãi trở lại

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ký hợp đồng mua dầu thô cho NMLD Dung Quất trong 3 năm tới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-dang-chu-y-ngay-276-pow-pvs-dcm-240165.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/6: POW, PVS, DCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH