Kết nối sản xuất, tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang Hà Nội

17-12-2021 15:29|Hoàng Hải

Ngày 16/12, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang TP. Hà Nội năm 2021".

Chương trình "Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang năm 2021" được tổ chức từ ngày 16 - 18/12/2021 giúp các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may, thời trang trên địa bàn TP. Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo Ban tổ chức, dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Sở Công Thương Hà Nội ban hành tiêu chí Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang thành phố Hà Nội năm 2021”.

Về tiêu chí nguyên vật liệu sử dụng, hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong thành phần nguyên liệu thấp hơn mức giới hạn theo Quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương.

Về quá trình sản xuất, có hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng ISO 9001, quản lý môi trường ISO 14001, 5S; quá trình tổ chức sản xuất phải tuân thủ Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, đảm bảo điều kiện an toàn lao động và môi trường lao động; có giải pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải trong sản xuất.

Về sản phẩm hàng hóa, nhãn mác sản phẩm đầy đủ các thông tin: Thành phần nguyên liệu, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, năm sản xuất, nơi sản xuất theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ; sản phẩm công bố hợp quy (CR) theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT ngày 26/4/2018 của Bộ Công Thương; chất lượng đảm bảo một trong các quy chuẩn xuất khẩu của khách hàng: Oeko-tex Standard 100; Wrap, GRS, TUV, TCCS…

Về hệ thống phân phối, có quy trình nhập hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi nhập kho; thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nước trong hệ thống phân phối; có giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, nylon; thay thế dần bằng bao bì, túi thân thiện với môi trường; Khách hàng mua sản phẩm Xanh được tích điểm của hệ thống phân phối.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang TP. Hà Nội năm 2021 sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với ngành dệt may, thời trang. Sự kiện này cũng thể hiện sự đồng hành của TP. Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Bánh chưng ngày rằm tháng Chạp: Tăng giá gấp đôi ngày thường, nhiều nơi ngừng nhận đơn

Chiến lược ‘Make in’: Động lực sản xuất nội địa và tăng trưởng xanh toàn cầu

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ket-noi-san-xuat-tieu-dung-ben-vung-nganh-det-may-thoi-trang-ha-noi-130611.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kết nối sản xuất, tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH