Kỷ nguyên tiêu dùng mới: Không số hóa và không xanh, doanh nghiệp có nguy cơ bị bỏ lại
Ngày 22/4, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức “Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng" nhằm đánh giá thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp đồng bộ thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Trong quý I/2025, thị trường hàng hóa trong nước vẫn tương đối ổn định dù các vấn đề về bất ổn chính trị, thương mại trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Theo số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý I/2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch , dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5 và 18,3%).
Bên cạnh đó, theo số liệu năm 2024, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 4.922.000 tỷ đồng (khoảng 190 tỷ USD). Trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 35,7%. Ở những vị trí tiếp theo là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%...
Ngoài ra, hàng hóa được phân phối cho người tiêu dùng qua hệ thống hạ tầng thương mại cũng đang phát triển liên tục. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và khoảng gần 7.000 cửa hàng tiện lợi.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp phân phối cho biết, tâm lý tiêu dùng hiện vẫn còn thận trọng, sức mua dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đạt mức tăng trưởng rõ rệt.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích những khó khăn còn tồn tại như chi phí trưng bày cao tại siêu thị, thủ tục phức tạp cho doanh nghiệp nhỏ, năng lực thích nghi yếu với xu hướng tiêu dùng số hóa , sản phẩm xanh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.
Theo đó, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc.
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng cho tiêu dùng trong nước về lâu dài phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt là cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực thuế cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý Nhà nước. Từ đó, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.
>>Người Việt chi gần 2.300 tỷ mua thực phẩm chức năng trên sàn thương mại điện tử trong quý I
Giá thịt lợn tăng 12,49%, nhưng CPI chỉ tăng 3,22%: Vì sao Việt Nam vẫn ổn định được giá tiêu dùng?
'Cần chính sách thuế đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng'