Loạt điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Đất đai 2024 liên quan đến thu hồi đất
Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực đã bổ sung một số trường hợp thu hồi đất cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ những bất cập trong việc giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Điều 79 Luật đất đai 2024 đã nêu rõ nội hàm sự phát triển KT-XH; đồng thời cũng quy định cụ thể về 31 trường hợp Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm công khai minh bạch trong quá trình thực thi và giám sát.
Cùng với đó, khoản 32 Điều 79 Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định như sau: "Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ Khoản 1 đến Khoản 31 của điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của điều này theo trình tự thủ tục rút gọn".
>> 11 loại đất sẽ được sử dụng lâu dài theo Luật Đất đai 2024
Luật đã bổ sung một số trường hợp thu hồi đất như:
1. Quy định cụ thể các dự án thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội hóa không phân biệt nguồn vốn đầu tư được thu hồi đất thuộc các lĩnh vực (đã được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động) như văn hóa, y tế, giáo dục... nhằm khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng (trước đó vốn ngoài ngân sách sẽ buộc phải thỏa thuận chuyển nhượng).
Trên thực tiễn có nhiều dự án thỏa thuận chuyển nhượng đã gặp nhiều vướng mắc khiến cho thời gian thực hiện bị kéo dài. Trong khi đó, các dự án phục vụ cho y tế, giáo dục... Nhà nước cần thu hút vốn đầu tư và tiến hành một cách nhanh chóng.
Luật Đất đai 2024 với các quy định mới được đưa ra đã khắc phục được những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này.
Theo đó, việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất sẽ thúc đẩy nhanh hơn quy trình này đồng thời tạo ra quỹ đất sạch để có thể nhanh chóng tiến hành triển khai dự án, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như an sinh tại địa phương.
2. Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể về thẩm quyền thu hồi tại Điều 83, theo đó, luật phân cấp toàn bộ thẩm quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia công cộng cho cấp huyện.
Luật mới cũng bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.
Cấp huyện sẽ chủ động trong công tác thu hồi đất của các dự án, được quy định theo Điều 78, 79 của Luật Đất đai và đây cũng được xem là điểm mới của luật khi không phân biệt đối tượng thu hồi đất, rút ngắn được thời gian trình cấp tỉnh thu hồi.
Những thay đổi này góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do nếu chờ sắp xếp lại tại sản công sẽ mất nhiều thời gian, đặc biệt là các tài sản nhà đất do các Bộ, Ban, ngành Trung ương quản lý.
3. Luật Đất đai 2024 cũng quy định UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư theo Khoản 5, Điều 87.
Do đó, cần phải có quỹ đất tái định cư, bàn giao cho người có đất ở thu hồi trước khi thu hồi đất và bàn giao đất cho dự án hoặc các trường hợp người có đất thu hồi phải đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt đơn thư, khiếu kiện cũng như bức xúc của người dân khi có vướng mắc về các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nhằm khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện hạ tầng cũng như khu vực tái định cư để bàn giao cho người dân; không có quỹ đất tái định cư hoặc bố trí tái định cư tại các dự án khác khi chưa có đất.
>> Tuyến đường 300 tỷ đồng nối thẳng vào nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất được thúc đẩy tăng tốc
Đề xuất quy định nhà ở bắt buộc có lối thoát nạn, phương tiện PCCC 
Cập nhật tiến độ hai dự án đường sắt đô thị hơn 100.000 tỷ đồng tại Thủ đô Hà Nội