Luật Đất đai (sửa đổi): ‘Việt kiều có thể mua nhà trong nước thuận lợi hơn’
Chuyên gia kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp Việt Kiều có thể mua nhà trong nước thuận lợi hơn và thúc đẩy thu hút kiều hối từ nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.
Luật Đất đai  (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Ở Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều).
Luật Đất đai: ‘Việt kiều có thể mua nhà trong nước thuận lợi hơn’. |
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đầy đủ quyền, nghĩa vụ liên quan tới đất đai
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Cụ thể, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được bình đẳng, ngang nhau.
Trong Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở.
Cùng với đó là nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà. Đây là những điểm mới mà luật hiện hành không có. Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
>>Những trường hợp cụ thể được bồi thường khi bị thu hồi đất theo quy định mới nhất 2024 
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Luật Đất đai 2013 phân biệt quyền tiếp cận đất đai giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024 đã có quy định khác.
Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Ngoài ra, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.
Ông Tuấn kỳ vọng quy định này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.
Thúc đẩy đầu tư, thu hút kiều hồi về nước
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng, chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh tế.
Quy định rõ ràng tại Luật Đất đai 2024 sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn. |
Ngoài ra điều này cũng khắc phục tình trạng Việt kiều đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên, tuy nhiên người được nhờ đứng tên lại đem bán, gây ra tranh chấp.
>>Bộ TN&MT thông tin về kế hoạch thực hiện Luật Đất đai năm 2024 
Dù vậy, ông Đỉnh cho biết, vẫn còn tồn tại, chưa thực sự đồng bộ trong sử dụng thuật ngữ giữa Luật Đất đai 2024 với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
Theo đó, Luật Đất đai 2024 không tiếp thu ý kiến đề xuất cần bổ sung “cá nhân nước ngoài” là chủ thể có quyền sử dụng đất gắn với nhà ở được sở hữu tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở.
“Điều này dẫn đến tình trạng chưa đồng bộ với quy định về quyền sở hữu nhà ở của “cá nhân nước ngoài theo Luật Nhà ở 2023 và để giải quyết triệt để công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt nhà ở thấp tầng”, ông Đỉnh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng quy định rõ ràng tại Luật Đất đai 2024 sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn.
Một số đơn vị phân tích cũng đánh giá quy định mới có thể thu hút thêm nguồn kiều hối chảy vào bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang "chảy" mạnh, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.
>>Luật Đất đai không phải là 'cây đũa thần' giải quyết mọi việc 
Bộ TN&MT thông tin về kế hoạch thực hiện Luật Đất đai năm 2024 
Luật Đất đai không phải là 'cây đũa thần' giải quyết mọi việc